Nguy cơ giá cả hàng hóa sẽ tăng trở lại đúng thời điểm cả thế giới đang tích cực chống lạm phát làm thị trường bớt kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất diễn ra vào cuộc họp tháng 3 năm nay. Các vụ tập kích tàu hàng trên Biển Đỏ vài tháng qua đang bóp nghẹt kênh đào Suez - một trong những tuyến thương mại chính của thế giới.
Gần đây, lực lượng Houthi (Yemen) gia tăng tập kích tàu hàng đi qua Biển Đỏ sau khi chiến sự Israel - Hamas bùng phát hồi đầu tháng 10/2023. Họ tuyên bố hành động này nhằm bày tỏ đoàn kết với người Palestine tại Dải Gaza. Quân đội Mỹ và các đồng minh đã tăng cường an ninh hàng hải tại Biển Đỏ, nhưng các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn.
Các tàu container vì thế phải tránh đi qua kênh đào Suez - tuyến đường thủy nối châu Á với châu Âu và Mỹ. Điều này khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, kéo giá sản phẩm lên cao đúng thời điểm cả thế giới đang trong cuộc chiến chống lạm phát. Kênh đào Suez hiện đóng góp 10 - 15% thương mại toàn cầu và khoảng 30% khối lượng vận tải biển bằng container của cả thế giới.
Hình ảnh vụ tàu Even Given bị mắc kẹt ở kênh đào Suez hồi năm 2021, gây tác động không nhỏ đến kinh tế toàn cầu. |
Giá dầu cũng đang tăng cao, dầu Brent và WTI phiên 12/1 có thời điểm tăng 3%, do lo ngại cuộc chiến trong khu vực này lan rộng, gây gián đoạn nguồn cung.
Khi căng thẳng leo thang, lo ngại 'bóng ma' lạm phát quay trở lại
Trong báo cáo công bố hồi đầu tuần, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo việc gián đoạn với các chuỗi vận tải hàng hóa chủ chốt "đang khoét sâu vào điểm yếu trong chuỗi cung ứng và tăng rủi ro lạm phát". Hiện tại, 6 trong 10 hãng vận tải container lớn nhất thế giới, gồm Maersk, MSC, Hapag-Lloyd, CMA CGM, ZIM và ONE đã gần như hoàn toàn dừng đi qua Biển Đỏ.
Các tàu buộc phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, khiến hành trình kéo dài thêm vài tuần. CEO Maersk Vincent Clerc hôm 11/1 cho biết trên Financial Times rằng việc thiết lập lại an ninh tại Biển Đỏ có thể mất nhiều tháng. Vì thế, "điều này có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng với tăng trưởng kinh tế toàn cầu", ông nói.
Cùng ngày, Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức) ước tính các vụ tấn công tàu hàng trên Biển Đỏ khiến thương mại toàn cầu giảm 1,3% trong tháng 12 so với tháng 11. Chi phí vận tải tăng cũng kéo giá cả với người tiêu dùng lên cao. "Việc gián đoạn càng kéo dài, hiệu ứng stagflation (tăng trưởng chậm kèm suy thoái) lên kinh tế toàn cầu càng mạnh", Mohamed A. El Erian - kinh tế trưởng tại Allianz tuần trước cho biết trên X.
Oxford Economics dự báo lạm phát chung tiếp tục hạ nhiệt. Tuy nhiên, rủi ro tăng giá vẫn còn. Giá vận chuyển bằng container hiện cao gấp đôi đầu tháng 12. Nếu việc này kéo dài, lạm phát toàn cầu có thể tăng 0,6%.
Mới đây, bản báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng mạnh hơn so với kỳ vọng, với mức tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones trước đó, các nhà kinh tế học dự báo CPI tăng 0,2% trong tháng và tăng 3,2% trong cả năm.
Sau khi báo cáo được công bố, thị trường đã giảm bớt kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất từ tháng 3.
>> Nghi ngờ khả năng cắt giảm lãi suất của FED, chứng khoán đỏ lửa