Vietstock - Không công bố thông tin đấu giá, Codupha nói do sơ suất
CTCP Dược phẩm Trung ương Codupha (UPCoM: CDP) vừa công bố thông tin liên quan đến các đợt đấu giá toàn bộ vốn góp của Công ty tại Công ty TNHH Dược phẩm Codupha Lào, diễn ra từ tháng 7-9/2024.
Thừa nhận thiếu sót trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), CDP cho biết đã phát hành các nghị quyết HĐQT về việc xác định giá khởi điểm cho giao dịch chuyển nhượng 93.7% vốn góp trong liên doanh Codupha - Lào, cũng như các thông báo và kết quả bán đấu giá do Công ty Đấu giá Hợp danh Vạn Thành An thực hiện, nhưng “do sơ suất nên chưa thực hiện công bố thông tin”.
Trước đó, ngày 16/07, lãnh đạo CDP quyết định đấu giá công khai toàn bộ cổ phần đang sở hữu tại công ty con Dược phẩm Codupha Lào với giá khởi điểm khoảng 11.9 tỷ đồng (10.6 tỷ kíp Lào, tỷ giá 1 kíp = 1.122 VNĐ).
Sau khi hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá 2 lần, ngày 12/08 và ngày 09/09, đơn vị tổ chức đấu giá Vạn Thành An cho biết không có khách hàng quan tâm dù đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo Luật Đấu giá tài sản và các quy định có liên quan. Giá khởi điểm lần 2 được giảm xuống còn khoảng 10.1 tỷ đồng. Đây là đợt đấu giá theo hình thức trực tiếp bằng lời nói, theo phương thức trả giá lên.
Người trúng đấu giá có nghĩa vụ kế thừa quyền và nghĩa vụ của CDP trong liên doanh Codupha - Lào. CDP cam kết tài sản đưa ra bán đấu giá thuộc quyền sở hữu sử dụng hợp pháp của Công ty và chịu mọi trách nhiệm về các vấn đề pháp lý liên quan đến tài sản bán đấu giá.
Codupha Lào được thành lập theo Luật Doanh nghiệp của Lào theo giấy chứng nhận do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cấp ngày 31/05/2004, hoạt động chính sản xuất kinh doanh dược phẩm. Trụ sở chính của công ty con nằm tại quận Saysetta, Thủ đô Vientiane, Lào.
Số vốn CDP góp vào Codupha Lào tính đến cuối năm 2017 khoảng 843 ngàn USD, tương đương 21 tỷ đồng (tỷ giá 25,000 đồng/USD).
Hoạt động thoái vốn tại Codupha Lào được CDP đề cập nhiều năm nay, thậm chí từ năm 2018. Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 cho thấy lãnh đạo từng đề nghị giải thể công ty con là phương án tối ưu nhất nhằm giải quyết sớm thu hồi công nợ và tiền đầu tư của Công ty. Đến năm 2024, việc bán đấu giá phần vốn góp được cổ đông thông qua, dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành việc chuyển nhượng.
Một nghị quyết của HĐQT CDP tháng 11/2018 về việc xem xét thoái vốn tại Codupha Lào. Nguồn: CDP
|
Theo CDP, công ty con không phát sinh doanh thu nửa đầu năm 2024 do đã ngưng hoạt động sản xuất từ cuối năm 2023 vì hết thời gian hợp đồng thuê đất nhà máy, nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động 50% do chưa chấm dứt hợp đồng nghỉ việc, thuê bảo vệ, chi phí thuê mặt bằng để máy móc, hồ sơ và các chi phí khác làm tăng chi phí quản lý. Điều này đã tác động làm CDP giảm lãi so với cùng kỳ năm trước dù doanh thu tăng. Công ty cho biết đã ký gia hạn hợp đồng thuê đất để thực hiện các thủ tục pháp lý đối với khoản đầu tư này.
Năm 2023, doanh thu Codupha Lào ghi nhận 34 tỷ đồng, rất nhỏ so với hơn 3 ngàn tỷ đồng của CDP. Dù doanh thu gấp rưỡi cùng kỳ nhưng công ty này vẫn lỗ sau thuế hơn 1.8 tỷ đồng. CDP cho biết do trích thêm dự phòng công nợ quá hạn và dự phòng đầu tư Lào làm ảnh hưởng đến lợi nhuận. Cuối năm 2023, tổng tài sản Codupha Lào còn hơn 7.7 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 con số một năm trước. Vốn chủ sở hữu 7.7 tỷ đồng, mất gần 3 tỷ đồng so với đầu năm.
Theo báo cáo thường niên các năm của CDP, Codupha Lào lãi sau thuế nhiều nhất 228 triệu đồng năm 2020 và 224 triệu đồng năm 2017. Doanh thu đỉnh cao gần 34 tỷ đồng năm 2023 và hơn 33 tỷ đồng năm 2018. Tổng tài sản từ đỉnh hơn 60 tỷ đồng năm 2017, duy trì đến năm 2021 giảm còn hơn 51 tỷ đồng, trước khi về 7.7 tỷ đồng cuối 2023.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, một số cổ đông đã có ý kiến về việc công ty con lợi nhuận thấp, kinh doanh không hiệu quả; đồng thời đề nghị lãnh đạo “cân nhắc lại”, “xem xét thoái vốn tại Codupha Lào”.
Nhà máy liên doanh Codupha - Lào tại Lào. Nguồn: FB Codupha-Lao Pharma Co.,Ltd
|
Tử Kính