Vietstock - Thứ trưởng Bộ Công Thương: 98% hộ gia đình được giảm tiền điện khi áp biểu giá bậc thang mới
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định việc mức chênh lệch giá điện khi áp giá điện bậc thang 5 bậc là phù hợp với xu thế chung. Quan trọng hơn, 98% các hộ gia đình hiện nay sẽ phải trả ít tiền hơn so với biểu giá điện cũ (6 bậc).
Gần đây, Bộ Công Thương đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới. Theo dự kiến biểu giá điện mới gồm 5 bậc thay vì 6 bậc như hiện nay, với bậc thấp nhất từ 0-100 kWh, cao nhất từ 701 kWh trở lên. Trong đó, giá điện bậc 5 (cho kWh từ 701 trở lên) được đề xuất là 3,612.22 đồng/kWh.
* Đề xuất giá điện bậc thang mới: Cao nhất hơn 3.600 đồng/kWh
Nhận được câu hỏi liên quan đến biểu giá điện bậc thang mới từ phóng viên, trong đó có ý kiến nên xây đựng giá điện thành 2 phần thay vì biểu giá điện bậc thang, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có phản hồi.
Thứ trưởng Bộ Công phản hồi về các vấn đề liên quan đến biểu giá điện 5 bậc
|
Thứ trưởng cho biết, điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, việc lưu trữ điện năng rất đắt và tốn kém. Khi huy động các nhà máy điện phát điện, về nguyên tắc ngành điện sẽ huy động các nhà máy điện có giá rẻ phát điện trước, nhà máy điện có giá đắt phát điện sau, cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.
“Hiện nay, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines… đều áp dụng giá điện sinh hoạt theo các bậc tương tự như Việt Nam đang tiến hành”, trích lời Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải.
Theo Thứ trưởng, việc thiết kế giá bán lẻ điện sinh hoạt theo các bậc phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân. Giá điện tăng dần sẽ khuyến khích các hộ dân sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.
Đối với ý kiến giá điện 2 phần, dựa trên kinh nghiệp áp dụng tại các nước trên thế giới, cách tính này chỉ áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất và kinh doanh (gồm giá công suất theo kW và giá điện năng theo kWh). Cơ chế giá này không áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt.
“Đây là cơ chế mới, cần có nghiên cứu, thử nghiệm kỹ lưỡng, tránh tác động quá lớn tới các nhóm khách hàng sử dụng điện. Trong thời gian tới ,căn cứ đặc điểm sử dụng điện của khách hàng sử dụng điện tại Việt Nam và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm áp dụng tại các nước trên thế giới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu và đề xuất áp dụng thử nghiệm giá bán điện 2 thành phần gồm giá công suất và giá điện năng cho một số nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất để có cơ sở đánh giá tác động đến giá bán lẻ điện bình quân cũng như đến chi phí sản xuất của khách hàng sử dụng điện”, theo Thứ trưởng.
98% hộ gia đình sẽ trả tiền điện ít hơn
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề cập đến các ưu nhược điểm của biểu giá điện 5 bậc. Đầu tiên là đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc còn 5 bậc. Việc ghép các bậc để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc, nới khoảng cách của bậc cao hơn nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội cũng không thay đổi.
Theo Thứ trưởng, mức tăng giá giữa các bậc là tương đối hợp lý. “Chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối là 2 lần, phù hợp khi so sánh với xu thế chung của các nước trên thế giới, như tại Nam California (Mỹ) là 2.2 lần, Hàn Quốc là 3 lần, Lào là 2.88 lần, Thái Lan là 1.65 lần”, ông Hải chia sẻ.
Đáng chú ý, Thứ trưởng cho rằng với cách tính biểu giá mới, các hộ có mức sử dụng điện từ 710 kWh trở xuống (chiếm khoảng 98% số hộ) sẽ giảm được số tiền điện phải trả so với cách tính cũ.
Ngược lại, tiền điện của các hộ có mức sử dụng từ 711 kWh/tháng trở lên (mức cao, chiếm khoảng 2%) phải trả tăng thêm. Tổng thể của phương pháp tính vẫn giữ nguyên, chỉ có sự tăng lên giảm xuống tương ứng giữa các thành phần khách hàng sử dụng điện.
Về việc áp dụng giá giờ cao điểm, thấp điểm, ông Hải cho rằng việc áp dụng giá điện theo thời gian sử dụng trong ngày cho nhóm khách hàng dùng điện sản xuất, kinh doanh hiện nay vẫn còn phù hợp.
Có 3 nguyên nhân. Đầu tiên là chênh lệch cao điểm - thấp điểm của biểu đồ phụ tải làm hệ thống phải có dự phòng lớn. Một số nhà máy điện được đầu tư chỉ cho vận hành cao điểm nên giá rất cao, điều hành khó khăn, làm gia tăng tổn thất điện năng, gây áp lực vốn đầu tư rất lớn để xây dựng nguồn điện mới chạy cao điểm và làm tính kinh tế toàn hệ thống giảm thấp.
"Biện pháp áp dụng giá điện theo giờ bình thường, cao điểm và thấp điểm đã được áp dụng tại rất nhiều nước trên thế giới để giảm bớt nhu cầu phụ tải đỉnh của hệ thống, điều chỉnh biểu đồ phụ tải sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, đem lại lợi ích cho vận hành hệ thống điện và nền kinh tế quốc dân".
Thứ hai, để đảm bảo đủ công suất giờ cao điểm, phải huy động các nhà máy turbine khí chạy dầu hoặc nhà máy chạy dầu có giá phát điện rất cao. Vì vậy, giá phát điện là cao nhất và giá bán lẻ điện cũng sẽ là cao nhất vào giờ cao điểm hệ thống. Để phản ánh đúng thực tế chi phí sản xuất điện, biểu giá điện vào các giờ cao điểm cần phải cao hơn giá giờ bình thường hoặc thấp điểm.
Ngoài ra, việc áp dụng biểu giá bán lẻ điện theo thời gian sử dụng trong ngày nhằm khuyến khích các khách hàng tiết kiệm chi phí dùng điện, góp phần giảm áp lực vốn đầu tư xây dựng nguồn mới. Nếu không áp dụng giá cao điểm, nhu cầu công suất của hệ thống sẽ còn tăng cao hơn nữa, dẫn tới khó khăn trong việc cung cấp điện.
"Thực tế trong những năm vừa qua cho thấy việc áp dụng giá điện theo khung thời gian sử dụng điện trong ngày là phù hợp trong giai đoạn hiện nay để góp phần tối ưu vận hành hệ thống và đảm bảo khuyến khích các hộ sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả”, trích phản hồi của ông Hải.
Châu An