Vietstock - Giải tỏa “cơn khát” cho nhà đầu tư ngoại khi thị trường được nâng hạng
Theo chuyên gia, dòng vốn vào thị trường chứng khoán sau khi được nâng hạng, bao gồm cả chủ động lẫn thụ động có thể gấp 10 lần hiện tại.
Chuyên gia VPBankS Trần Hoàng Sơn. Nguồn: Ảnh chụp màn hình
|
Hội thảo VPBank (HM:VPB)S Talk#3 chủ đề “Chọn danh mục, đón sóng lớn”, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng như Chính phủ đã rất sốt ruột cho quá trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm ngoái và đầu năm nay.
“Chúng tôi đã tham gia rất nhiều hội thảo của UBCKNN và đã thấy được sự quyết tâm của các cơ quan trong suốt thời gian qua cho đến hiện tại”, ông Sơn nói.
VPBankS đang kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ đáp ứng sớm chuẩn của FTSE trước. Dù vậy, hiện tại vẫn có hai rào cản lớn, thứ nhất là tỷ lệ sở hữu nước ngoài và thứ hai là cho phép tổ chức nước ngoài mua chứng khoán nhưng không cần ký quỹ trước ở ngày T0 (Pre-funding).
Bộ Tài chính đang sửa đổi một số điều luật và dự kiến triển khai ngay trong 6 tháng đầu năm nay. Nếu dự thảo được sửa đổi và chính thức đi vào áp dụng thì phản hồi của tổ chức nâng hạng, ví dụ như FTSE có lẽ sẽ giúp thị trường sớm đạt chuẩn.
Đối với yếu tố liên quan đến giới hạn sở hữu nước ngoài, chuyên gia nhận thấy rằng khả năng Việt Nam sẽ áp dụng “bài” như của Thái Lan đó là sử dụng chứng chỉ quỹ không có quyền biểu quyết. Việc này có thể giúp giải tỏa cơn khát đầu tư bị giới hạn sở hữu nước ngoài nhưng vẫn không tác động quá nhiều đến các doanh nghiệp trong nước, đồng thời việc giao dịch trở cũng nên dễ dàng hơn.
Về lộ trình, vừa qua hệ thống KRX đã được chạy thử ở hầu hết công ty chứng khoán (CTCK) và dự kiến sẽ được áp dụng sớm trong năm nay. Còn yếu tố Pre-funding thì bây giờ dự thảo luật đang được sửa đổi và khả năng sẽ ban hành trong thời gian tới. Có thể một vài CTCK có lượng khách nước ngoài nhiều sẽ sớm có sự chuẩn bị và cho phép các khách hàng này được giao dịch.
Bảng tổng hợp tiêu chí đánh giá phân loại thị trường. Nguồn: VPBankS
|
Ông Sơn cho rằng yếu tố sở hữu nước ngoài có thể sẽ được thay đổi, sửa đổi vào cuối năm nay và yếu tố thông tin bằng tiếng Anh khả năng sẽ được áp dụng ngay trong năm 2025 để đảm bảo sự công bằng, minh bạch giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, hai yếu tố đầu tiên nhiều khả năng được cải thiện sớm trong năm 2024 này.
Chuyên gia VPBankS dự báo thị trường có thể sẽ được nâng hạng theo tiêu chuẩn của FTSE trước. Tổ chức này đã đưa Việt Nam vào danh mục theo dõi từ năm 2018. Khi mà những vấn đề liên quan đến Pre-funding, giới hạn sở hữu nước ngoài được cải thiện trong giai đoạn năm 2024 – 2025 thì khả năng sớm nhất tại kỳ đánh giá tháng 03/2025 sẽ đáp ứng được chuẩn nâng hạng và tại kỳ đánh giá tháng 09/2025 sẽ chính thức được vào.
Việc nâng hạng theo tiêu chuẩn của MSCI có thể sẽ lâu hơn bởi năm 2024 dự kiến hệ thống KRX mới được đưa vào hoạt động. Kỳ đánh giá tháng 06/2024 cơ quan này mới thu thập phản hồi của các nhà đầu tư đối với sự thay đổi về mặt chính sách luật, và về những thay đổi liên quan đến tiêu chuẩn này. Phải đến tháng 06/2025 mới được thông báo về kỳ vọng có thể nâng hạng thị trường, và áp dụng chính thức vào kỳ tháng 06/2026.
“Đây là một sự liên tục từ năm 2024 – 2026, và trong 3 năm này chúng tôi cho rằng thị trường sẽ có nhịp tăng rất tốt và các nhịp sóng chỉnh sẽ là những cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu danh mục”, ông Sơn nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, dự báo vốn thụ động tham gia vào thị trường có thể hơn 800 triệu USD nếu đạt chuẩn FTSE hoặc khoảng hơn 1 tỷ USD đối với MSCI nhưng thực sự lượng vốn chủ động có thể gấp 10 lần bởi xu hướng đầu cơ đã diễn ra ở các thị trường được nâng hạng trước Việt Nam.
“Nhưng điều mà Chính phủ quan ngại nhất là chúng ta đảm bảo được tiêu chí nâng hạng nhưng không để các tổ chức này đánh tụt hạng vì khi đó dòng vốn chảy ngược ra có thể sẽ rủi ro hơn”, chuyên gia nói.
VPBankS đã liệt kê 9 cổ phiếu có thể sẽ được các tổ chức nâng hạng mua vào trong hai năm tới. Đây đều là những cổ phiếu có vốn hóa lớn và có khả năng bứt tốc nhanh khi mà dòng vốn chủ động và thụ động cùng tham gia mua trên thị trường khi được nâng hạng, và cũng tính đến dòng tiền đầu cơ. Có thể kể đến VCB (HM:VCB), VHM (HM:VHM), HPG (HM:HPG), VIC (HM:VIC), VNM (HM:VNM), MSN (HM:MSN), VRE (HM:VRE), VJC (HM:VJC) và SSI (HM:SSI).
Danh mục theo dõi các cổ phiếu hưởng lợi từ nâng hạng thị trường. Nguồn: VPBankS
|
Tử Kính