Theo Dong Hai
Investing.com – Thị trường Việt Nam hôm nay thứ Tư ngày 16/6 có 3 thông tin cần chú ý: Đường mía nhập khẩu từ Thái Lan sẽ bị áp thuế chống bán phá giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý yêu cầu nới ‘room’ tín dụng cho ngân hàng và NATO xem Trung Quốc là một 'thách thức có hệ thống', cần phải kìm hãm… Dưới đây là nội dung chi tiết.
1. Đường mía nhập khẩu từ Thái Lan sẽ bị áp thuế chống bán phá giá
Bộ Công Thương chiều 15/6 đã có quyết định áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Các loại mía đường nhập khẩu thuộc mã HS 1701.13.00, 1701.14.00, 1701.99.10, 1701.99.90, 1702.90.91 sẽ bị áp thuế chống bán phá với giá chính thức là 42,99% và mức thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65%. Hai loại thuế này là thuế nhập khẩu bổ sung, áp dụng với mía đường nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan. Quyết định này có thời hạn 5 năm, hiệu lực từ ngày 16/6.
Để có cơ sở xác định xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp theo Quyết định 1578/QĐ-BCT, cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Các chứng từ này bao gồm: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phù hợp với quy định tại Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN. Bên cạnh đó là các chứng từ phù hợp tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai Len.
Vì vậy, nếu người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ nước, vùng lãnh thổ khác không phải là từ Thái Lan, thì không phải nộp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức. Nếu người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Thái Lan hoặc không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thì áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức như đã nêu ở trên.
2. Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý yêu cầu nới ‘room’ tín dụng cho ngân hàng
Theo thông tin từ Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, tăng trưởng tín dụng đạt 4,67%. Con số này cao hơn 1% so với mức tăng trưởng được NHNN công bố tính đến 16/4 là 3,34%. 5 tháng đầu năm 2020, tín dụng chỉ tăng 2%.
Nhận định từ các chuyên gia, để tăng trưởng tín dụng hiệu quả cần đẩy mạnh kích cầu, bởi hiện nay nhu cầu vốn đã tăng, song vẫn còn nhiều doanh nghiệp ở những lĩnh vực du lịch, khách sạn, hàng không... tạm dừng hoạt động. Vì vậy, các ngân hàng khi cho vay phải kiểm soát được nguồn trả nợ của khách hàng để vẫn đạt được chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng mà chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng được đảm bảo. Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 5/4, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262.000 khách hàng, với dư nợ khoảng 357.000 tỷ đồng. Với việc ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN, số dư nợ được cơ cấu lại sẽ nhiều hơn. Dù cơ cấu nợ cho phép ngân hàng và doanh nghiệp không bị “sốc” vì nợ xấu tăng đột ngột, song nhiều khoản nợ được cơ cấu đang là nợ xấu tiềm ẩn.
Vì vậy các ngân hàng bắt buộc phải trích lập dự phòng rủi ro cho phần tín dụng tiềm ẩn nợ xấu theo Thông tư 03 (khoảng 40.000 - 44.000 tỷ đồng). Khoản này sẽ được trừ vào lợi nhuận của các ngân hàng nên các ngân hàng sẽ không còn mức lãi khủng mà tối đa chỉ có thể lãi 15%.
Với những diễn biến hiện tại, tín dụng ngân hàng cả năm nay tăng khoảng 11-13% là mức phù hợp. Dù kinh tế phục hồi nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro đang chờ đợi các ngân hàng trong thời gian tới, đặc biệt là vấn đề nợ xấu.
3. NATO xem Trung Quốc là một 'thách thức có hệ thống', cần phải kìm hãm
Tại cuộc họp đầu tiên của NATO trong gần hai năm qua, Trung Quốc tiếp tục trở thành trọng tâm của các cuộc thảo luận, tương tự như tại phiên họp của nhóm G7 vào cuối tuần trước. Kết thúc sự kiện, NATO đã đưa ra một tuyên bố chung, khẳng định Trung Quốc là một "thách thức có hệ thống".
Tuyên bố nhấn mạnh: "Tham vọng và hành động gây hấn của Trung Quốc đặt ra những thách thức mang tính hệ thống đối trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, xâm hại đến các lĩnh vực có liên quan tới an ninh của NATO".