Investing.com -- FiinTrade thống kê báo cáo tài chính quý III/2024 của 68 công ty chứng khoán (đại diện cho 99% quy mô vốn chủ sở hữu của toàn ngành) cho thấy dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) đạt hơn 228.000 tỷ đồng tại thời điểm 30/9, tăng 4% so với cuối quý II/2024, lập mức đỉnh lịch sử mới.
Có 7 công ty chứng khoán có dư nợ margin đạt trên 10.000 tỷ đồng, bao gồm: VCI (HM:VCI), TCBS, SSI (HM:SSI), HCM, Mirae Asset, VPS, và VND (HM:VND). Trong đó, VCI là 'gương mặt' mới nhất, với mức tăng 28,6% so với quý trước và 77,5% so với cùng kỳ, đạt 10.100 tỷ đồng. Ngược lại, SSI và VND ghi nhận mức tăng khiêm tốn, thậm chí là sụt giảm.
Quy mô dư nợ margin bất ngờ tăng mạnh trong quý III/2024 ở một số công ty chứng khoán nhỏ, bao gồm DSE (+16,6%), KAFI (+18,9%), và LPBS (+496,5%).
Giá trị cho vay margin tiếp tục tăng, lập đỉnh mới trong quý III/2024, nhưng thanh khoản chung kém đi, và nhà đầu tư cá nhân giảm mua ròng (thậm chí quay ra bán ròng thông qua khớp lệnh trong tháng 8 và 9). Thêm vào đó, tỷ lệ đòn bẩy (margin/tổng vốn hóa điều chỉnh theo free-float) và tỷ lệ margin/giá trị giao dịch bình quân duy trì ở mức cao trong quý III/2024. Điều này cho thấy dư nợ margin tăng thêm không giúp đẩy nhanh vòng quay giao dịch trên thị trường (do gia tăng cho vay theo các 'deal' – thỏa thuận).
Tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu là 0,87 lần, tăng liên tiếp trong 7 quý nhưng vẫn cách xa mức trần 2 lần và đỉnh cũ là 1,18 lần.
Về "lực cầu tiềm năng", dữ liệu cho thấy số dư tiền gửi của nhà đầu tư đạt 91.100 tỷ đồng, giảm quý thứ hai liên tiếp, bất chấp số lượng tài khoản mở mới vẫn duy trì đà tăng mạnh, đạt 819.000 tài khoản trong quý III/2024, so với 349.000 tài khoản trong quý trước đó.