Theo Dong Hai
Investing.com - Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đông Nam Bộ, trong đó có quỹ phát triển hạ tầng vùng. Lãi suất liên ngân hàng đã tiếp tục giảm sâu xuống vùng thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức vận hành, hơn 1.600 mã sẽ được đưa vào hệ thống trong vòng ba tháng… Dưới đây là nội dung chính 3 tin tức đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm nay thứ Tư ngày 19/7.
1. Dự kiến có quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ?
Đông Nam Bộ đang là đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước, trung tâm du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ công nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông, logistics… với hạt nhân là đô thị đặc biệt TP.HCM. Với diện tích chiếm 9%, vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp khoảng hơn 30% GDP, khoảng 45% tổng thu ngân sách nhà nước và hơn 32% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Hệ thống đô thị và kết cấu hạ tầng tương đối phát triển. Có trên 11.800 km đường bộ, đã hình thành trục hướng tâm TP.HCM; 2 cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Côn Đảo); đường thủy nội địa mật độ lớn, chảy qua hầu hết trung tâm kinh tế, đô thị, khu công nghiệp; 218 cầu cảng biển dài gần 38 km, chiếm 38,8% chiều dài và 43,2% tổng lượng hàng hóa qua cảng của cả nước.
Sắp tới sẽ có tuyến đường cao tốc kết nối Mộc Bài – TP.HCM, TP.HCM - Vũng Tàu… tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa các nước ASEAN đến TP.HCM, Vũng Tàu…
Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động của vùng có xu hướng chậm lại.
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ ngày 18/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, một trong 4 hội đồng điều phối vùng - Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ cần hoạt động hiệu quả, thực chất, không hình thức, không hành chính, phải tạo ra của cải vật chất; tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược, đồng thời tập trung xử lý 3 vấn đề lớn trong những năm tới của vùng: Ách tắc giao thông, vấn đề môi trường, vấn đề nhà ở.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng, cố gắng hoàn thành trong quý III/2023.
Các bộ, địa phương khẩn trương kiện toàn bộ máy Tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh với tổ chức, biên chế gọn nhẹ, sử dụng bộ máy, nhân lực đang có và giao việc cụ thể, bảo đảm các tổ điều phối bắt tay ngay vào các nhiệm vụ liên quan đến điều phối và liên kết vùng.
2. Lãi suất liên ngân hàng đã tiếp tục giảm sâu xuống vùng thấp nhất kể từ đầu năm 2021
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay VND (HM:VND) bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm vào cuối tuần trước đã giảm về còn 0,14%/năm vào ngày 16/7 và nhích nhẹ lên 0,15%/năm vào ngày 17/7.
Nguồn: SBV
Trong tuần trước (10/7 -14/7),lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tiếp tục giảm mạnh xuống 0,2%/năm, tương đương giai đoạn đầu năm 2021 và nới rộng chênh lệch với lãi suất USD lên trên 450 điểm cơ bản.
Thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ổn định và hoạt động trên kênh thị trường mở trầm lắng. Cụ thể, NHNN chỉ chào thầu 15.000 tỷ trên kênh kỳ hạn 7 ngày và không có khối lượng trúng thầu nào được ghi nhận.
Nguồn: Bloomberg, SBV
Tại thị trường trong nước, diễn biến tỷ giá USD/VND hầu như đi ngang, trái ngược với xu hướng thế giới cho thấy áp lực tỷ giá vẫn còn khá cao.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD giao dịch ở vùng 23.650 VND/USD trong khi tỷ giá bán niêm yết tại các NHTM và tỷ giá tự do chỉ giảm nhẹ so với với tuần trước đó.
Tại họp báo chính phủ thường kỳ đầu tháng 7, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết hiện lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm xuống mức rất thấp, cho vay qua đêm cũng chỉ từ 0,4-1%/năm.
Lãi suất cho vay theo nghiệp vụ thị trường mở chỉ có 4%, cho vay OMO hoặc cho vay để bù đắp thiếu hụt trong tính toán tạm thời của các ngân hàng thương mại, cho vay qua đêm chỉ 5%/năm nhưng các ngân hàng không mặn mà với các khoản cho vay của NHNN do dư thừa thanh khoản.
Tiền rẻ nhưng tín dụng lại tăng chậm, lý giải vấn đề này ông Đào Minh Tú đã đưa ra một số nguyên nhân:
- Tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp, như vậy cầu tín dụng cũng không thể tăng cao được.
- Cản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp khó có đơn hàng, xuất khẩu cũng có những khó khăn nhất định. Thị trường bất động sản (BĐS) chưa sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án BĐS thương mại và BĐS nhà ở xã hội chưa được triển khai nhiều mặc dù NHNN tạo điều kiện về tín dụng cho lĩnh vực BĐS, sẵn sàng đẩy mạnh những lĩnh vực tỷ lệ rủi ro thấp.
- Những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tiếp cận tín dụng. Trước đây doanh nghiệp khó về năng lực tài chính để đảm bảo vay phải có khả năng trả nợ, đến nay càng khó hơn. Vấn đề này, Chính phủ, các bộ, ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành ngân hàng đang quyết liệt tháo gỡ.
Theo số liệu mới nhất của NHNN đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các NHTM hiện lần lượt chỉ còn 5,8%/năm (giảm 70 điểm cơ bản so với cuối năm 2022) và 8,9%/năm (giảm 100 điểm cơ bản).
3. Sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức vận hành, hơn 1.600 mã sẽ được đưa vào hệ thống trong vòng ba tháng
Ngày 19/7, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chính thức vận hành.
Nhằm tổ chức thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ đáp ứng yêu cầu của Nghị định 65 năm 2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, Bộ Tài chính đã giao HNX triển khai xây dựng hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ.
Khi đưa vào vận hành, các nhà đầu tư sở hữu TPDN riêng lẻ sẽ có thêm một phương thức để chuyển đổi trái phiếu sở hữu sang tiền bằng cách bán trái phiếu, thay vì chờ doanh nghiệp thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn.
Theo quy định, đối tượng tham gia là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc lưu ký và thực hiện giao dịch qua các công ty chứng khoán, với các lệnh chào mua, chào bán được yết giá lên hệ thống HNX.
Tất cả trái phiếu phát hành riêng lẻ (HNX hiện có hơn 1.600 mã TPDN đã phát hành) phải được đưa vào giao dịch tập trung trong vòng ba tháng kể từ ngày khai trương hệ thống giao dịch tập trung. Việc các TPDN riêng lẻ được đưa vào giao dịch tập trung trên hệ thống sẽ góp phần tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư trong giao dịch TPDN riêng lẻ, góp phần thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường đồng thời tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp phát triển bền vững hơn.