Vietstock - Động lực nào giúp VN-Index tăng trưởng trong giai đoạn tới?
Bà Nguyễn Hoài Thu cho rằng yếu tố căn bản của nền kinh tế giúp thị trường chứng khoán (TTCK) đi lên. Hiện, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang tốt, Chính phủ dự báo tăng trưởng 7% cho năm nay, trong khi VinaCapital dự báo tăng 6.5%.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ chuyển hướng vào năm 2025
Chiều ngày 08/10/2024, tại buổi họp báo Hội nghị nhà đầu tư năm 2024, ông Don Lam - Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital cho biết: “Thế giới đã chứng kiến rất nhiều thay đổi trong năm qua. Những căng thẳng địa chính trị gia tăng và triển vọng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn vẫn còn bất ổn. Tuy nhiên, sự bền bỉ, lạc quan, quyết tâm tiến về phía trước và phát triển bền vững của Việt Nam vẫn tiếp tục mang đến cho các nhà đầu tư quốc tế nhiều cơ hội hấp dẫn”.
Ông Don Lam - Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital
|
Ông Alex Hambly - Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư VinaCapital chia sẻ, sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục, dự báo đạt 6.5% trong năm 2024 và 6.5% năm 2025.
Sắp tới, kỳ vọng sẽ có sự thay đổi, mặc dù xuất khẩu chậm lại, nhưng ngược lại bán lẻ và xây dựng sẽ tăng trưởng. Tiêu dùng chiếm 60% GDP, được dự báo tiếp tục tăng trưởng.
Điều gì thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng? Tiềm năng tăng trưởng của thị trường bất động sản rất lớn, nhu cầu cao trong khi nguồn cung còn rất thấp. Điều quan trọng là sự thay đổi chính sách của Chính phủ, quản lý để thị trường bất động sản phục hồi trở lại. Và điều đó đang xảy ra, bất động sản ổn định sẽ giúp tăng trưởng tiêu dùng.
Động thái Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất vừa qua giúp tích cực cho thị trường bất động sản và TTCK.
Trong dài hạn, 3 động lực tăng trưởng chính của Việt Nam có liên hệ mật thiết với nhau gồm: Công nghiệp hóa được hỗ trợ bởi FDI, tầng lớp trung lưu mở rộng nhanh chóng (tăng trưởng thu nhập và tốc độ đô thị hóa, nhân khẩu học) và làn sóng dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia thân thiện.
Ông Alex Hambly - Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư VinaCapital
|
Bà Nguyễn Hoài Thu - Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Chứng khoán của VinaCapital cho rằng trong năm 2025, có nhiều triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực. GDP được dự báo tăng 6.5% trong năm 2024 và 2025, đầu tư công và tiêu dùng nội địa sẽ quay trở lại. Fed cắt giảm lãi suất tạo dư địa cho NHNN kiểm soát tốt lạm phát và tỷ giá.
Chính sách tiền tệ đang nới lỏng, lãi suất tiết kiệm trung bình 12 tháng đang ở mức 5%/năm. Dự báo Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất 2 lần nữa trong năm sẽ tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm lãi suất.
Thêm nữa, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam dự báo đạt hơn 18 triệu du khách - vượt mức trước COVID-19.
Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) giúp tăng cường tính minh bạch của hệ thống và đồng bộ tốt hơn với Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai.
Điểm quan trọng với TTCK là Ủy ban Chứng khoán có cải tiến là bỏ yêu cầu ký quỹ 100% trước giao dịch, hướng tới thành lập hệ thống Bù trừ Trung tâm (CCP) giúp cải thiện việc tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy nâng hạng TTCK.
Luật đầu tư công đang được trình sẽ giúp đẩy mạnh quy trình pháp lý cho cơ sở hạ tầng, mở rộng cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy trưởng kinh tế trong những năm tới.
Động lực nào giúp VN-Index tăng trưởng trong giai đoạn tới?
Bà Nguyễn Hoài Thu - Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Chứng khoán của VinaCapital
|
Bà Nguyễn Hoài Thu cho rằng yếu tố căn bản của nền kinh tế giúp TTCK đi lên. Hiện, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang tốt, Chính phủ dự báo tăng 7% cho năm nay, trong khi VinaCapital dự báo tăng 6.5%.
Thêm vào đó, sắp tới TTCK Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi và năm 2026 sẽ chính thức có hiệu lực.
Với những yếu tố tích cực này, nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lại trong 12 tháng tới, tăng trưởng kinh tế sẽ kéo tăng trưởng TTCK. Nếu thị trường có động lực tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tốt, chắc chắn TTCK sẽ đi lên.
Dòng tiền sẽ quay trở lại
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng vừa qua liên quan đến việc Fed duy trì lãi suất cao những năm qua, nên nhà đầu tư ngoại rút ra khỏi các nước mới nổi/cận biên là điều tất yếu và xảy ra trên diện rộng.
Từ 6-12 tháng gần đây, cổ phiếu công nghệ thường hút tiền, nằm tại Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc… Do đó, Viêt Nam bị rút ròng, hoặc dòng tiền quay về những thị trường có cổ phiếu công nghệ.
Tuy nhiên, tháng 10 đã hút lại dòng tiền, VincaCapital có thêm cơ sở tin rằng dòng tiền sẽ quay trở lại. Nhà đầu tư ngoại sẽ quay trở lại vì bức tranh lợi nhuận và đón đầu nâng hạng TTCK Việt Nam.
Tuy nhiên, TTCK vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bà Thu khuyến nghị nhà đầu tư cần phải cân nhắc.
Trên thế giới, tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chậm lại. Trung Quốc dư thừa hàng hóa dẫn đến có thể mang đi bán rẻ trên thế giới. Rủi ro địa chính trị ngày càng leo thang, gây quan ngại cho nhà đầu tư, có thể ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa đường biển.
Trong nước, nhu cầu tiêu dùng nội địa có thể không được như kỳ vọng. Năm sau dự báo có thể đạt 8%, nhưng nửa đầu năm nay không mấy khả quan dù kinh tế có hồi phục. Thêm vào đó, thị trường bất động sản được dự báo hồi phục trong năm 2025 nhưng có nhiều bất định.
Lạm phát cao hơn có thể gây áp lực lên chính sách tiền tệ của NHNN. Việc trì hoãn trong FTSE nâng hạng TTCK Việt Nam có thể tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư.
Cát Lam