Giảm 40%
Mới! 💥 Dùng ProPicks để xem chiến lược đã đánh bại S&P 500 tới 1,183%+Nhận ƯU ĐÃI 40%

Doanh nghiệp vận tải biển mua, thuê thêm tàu khi nhu cầu hồi phục. Thị trường 1/9

Ngày đăng 09:47 01/09/2021
Cập nhật 10:02 01/09/2021
© Reuters

© Reuters

Theo Dong Hai

Investing.com – Thị trường Việt Nam có những thông tin gì đáng chú ý trong ngày đầu tháng 9? Doanh nghiệp vận tải biển mua, thuê thêm tàu khi nhu cầu hồi phục mạnh mẽ. Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất huy động và cho vay và theo Savills, M&A bất động sản có xu hướng chậm lại. Dưới đây là nội dung chi tiết 3 thông tin trong phiên giao dịch trước ngày nghỉ lễ của thị trường Việt Nam 1/9.

1. Doanh nghiệp vận tải biển mua, thuê thêm tàu khi nhu cầu hồi phục mạnh mẽ

Nhu cầu vận tải biển phục hồi mạnh từ nửa cuối năm 2020 đến nay đã giúp doanh nghiệp ngành này ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Do vậy, nhiều đơn vị đã lên kế hoạch mua hoặc thuê tàu để nâng cao năng lực hoạt động, trẻ hóa đội tàu.

Đầu tháng 7, Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (HM:PVT) thông báo đã tiếp nhận tàu NV Aquamarine thông qua đơn vị thành viên. Đây là loại tàu chở khí hoá lỏng lạnh (fully refrigerated VLGC - Very Large Gas Carrier) lớn nhất thế giới, với dung tích chở hàng 81.605 cbm. Vào đầu năm, đơn vị cũng thông qua công ty thành viên tiếp nhận tàu PVT Azura trọng tải 19.945 dwt, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thị trường Bắc Mỹ và PVT Dawn khai thác thị trường Trung Đông – Bắc Á. Theo SSI (HM:SSI) Research, PVTrans đã chi tổng cộng 1.400 tỷ đồng cho việc mua 3 tàu mới trên. Doanh nghiệp cũng liên tục trẻ hóa, gia tăng đội tàu trong giai đoạn 2018-2020 với chi phí thấp do ngành vận tải biển chạm đáy và chi phí vận hành thấp. Tổng công ty chuyên thực hiện vận chuyển dầu thô, khí LPG cho BSR, PV Oil, PV Gas (HM:GAS), GPP Cà Mau hay than cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1… Trong thời gian tới, PVTrans chủ trương đầu tư và nâng cao năng lực đội tàu chở Gas với các tàu VLGC size lớn và tàu chở hóa chất, tàu chở dầu thô cỡ VLCC tại thị trường quốc tế. Đội tàu của PVTrans đang hoạt động tại nhiều khu vực trên thế giới và bắt đầu tham gia vào các thị trường vận tải có tiêu chuẩn cao như châu Âu, Bắc Mỹ...

Bên cạnh đó, CTCP Vận tải Sản phẩm khí quốc tế (HM:GSP) (Gas Shipping) – công ty con PV Trans đang triển khai phương án phát hành 20 triệu cổ phiếu huy động 200 tỷ đồng để mua 2 tàu chở dầu, hóa chất có trọng tải 20.000 dwt. Mỗi tàu có giá 376,5 tỷ đồng, ngoài phát hành thêm và vốn tự có, doanh nghiệp dự vay hơn 500 tỷ đồng để mua tàu. Gas Shipping thông tin đã triển khai các bước để đầu tư tàu số 1 trọng tải 20.000 dwt trong tháng 8, dự kiến nhận tàu vào đầu tháng 9, sẵn sàng cho việc khai thác ngay tàu tại thị trường châu Mỹ. Theo kế hoạch, doanh nghiệp sẽ khai thác tàu theo hình thức cho thuê định hạn. Ban lãnh đạo đánh giá cho thuê định hạn không hiệu quả bằng khai thác spot nhưng tránh được những rủi ro về việc đảm bảo nguồn hàng và phát sinh chi phí nằm chờ. Đáng chú ý, tàu Gas Shipping dự định mua có trọng tải lớn hơn rất nhiều so với đội tàu hiện tại. Quy mô đội tàu doanh nghiệp hiện là 6 với tổng trọng tải 18.000 dwt, mỗi tàu trọng tải dưới 4.000 dwt. Đội tàu chủ yếu hoạt động tuyến Đông Nam Á – Nam Trung Quốc và nội địa (từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, kho cảng Thị Vải đến các địa phương), chuyên chở khí hóa lỏng (LPG).

CTCP Vận tải biển Việt Nam (HM:VOS) (Vosco) cũng có kế hoạch thuê tàu Vinalines Galaxy, trọng tải 50.530 dwt. Tàu được đóng năm 2007, thuộc sở hữu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (UPCoM: MVN) – công ty mẹ nắm 51% vốn Vosco. Giá trị hợp đồng thuê tàu bằng khoảng 2,5% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp tại thời điểm 30/6/2021, tức 75,2 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2020, công ty sở hữu đội tàu 12 chiếc với tổng trọng tại 405.112 dwt gồm 8 tàu hàng khô, hàng rời, 2 tàu dầu sản phẩm và 2 tàu container. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thuê định hạn một số tàu nên số lượng khai thác thường xuyên khoảng 12-14 tàu. Trong định hướng thời gian tới, doanh nghiệp tập trung việc thuê tàu bên ngoài theo các hình thức định hạn, thuê tàu trần để tăng năng lực vận chuyển, duy trì đội tàu thường xuyên 14-15 tàu. Mục tiêu của Vosco là nâng dần tỷ lệ tàu thuê ngoài lên mức 20-30% tổng trọng tải đội tàu cho giai đoạn sau 2020.

CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HM:HAH) đã thông qua phương án đóng mới tàu chuyên chở container 1.800 teu tại Trung Quốc. Tàu được thiết kế với chiều dài là 172 m, chiều rộng 28,4 m và chiều chìm 14,5 m. Trong giai đoạn 2021-2024, Hải An có kế hoạch đặt đóng mới 1 đến 2 tàu container 1.800 teu loại “SDARI Bangkok Max IV”, mua 2 tàu cũ loại 1.000 – 1.500 teu để sử dụng cho tuyến ngắn Hải Phòng – Hong Kong – Nam Trung Quốc và miền Trung/Cái Mép – HCM (HM:HCM). Tháng 4 vừa qua, Hải An đầu tư thêm tàu mới HaiAn West (1.740 teu) và Hải An East (1.702 teu) sau khi đã mua tàu HaiAn View (1.577 teu) tại tháng 7 năm ngoái. Cùng với đó, doanh nghiệp thực hiện bán tàu có tuổi đời cao là HaiAn Song trong quý I. Doanh nghiệp hiện có 8 tàu với tổng sức chứa 11.000 teu, chủ yếu khai thác tuyến nội địa. Như vậy, tàu mới sẽ nâng tổng sức chứa đơn vị thêm 16,4% lên 12.800 teus.

Hiện nay, dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp vận tải biển. SSI Research đánh giá nhu cầu sản phẩm dầu thấp ở các vùng giãn cách xã hội tác động đến mảng vận tải dầu của PV Trans nhưng mảng khác như LPG, than ít bị ảnh hưởng do nhu cầu công nghiệp. Trong khi, việc ùn ứ ở các cảng khiến thời gian vận chuyển kéo dài hơn, kéo giảm sản lượng của doanh nghiệp vận tải nội địa như Hải An. Theo SSI Research, có 3 yếu tố ảnh hưởng đến giá cước vận tải biển trong giai đoạn tới:

  • Hai mùa cao điểm xuất khẩu từ châu Á sang Bắc Mỹ, châu Âu, đó là tháng 7 (mùa tựu trường) và tháng 10 (mùa Giáng sinh). Một số hãng đã bắt đầu áp dụng phụ phí mùa cao điểm cho các tuyến dịch vụ này. Đây là động lực ngắn hạn tác động mạnh nhất đến việc tăng giá cước và chưa kết thúc cho đến cuối năm 2021.
  • Giãn cách xã hội và tắc nghẽn tại các cảng Trung Quốc (cảng Yan Tian và Kaohsiung ) gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng toàn cầu và có thể mất vài tháng để giải quyết các tắc nghẽn này.
  • Ấn Độ kiểm soát được dịch Covid-19 và phục hồi năng lực sản xuất. Cuối cùng là nguồn cung tàu biển mới được đưa vào hoạt động từ nửa cuối năm 2022 và năm 2023.

2. Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất huy động và cho vay

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tình hình lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng. Với lãi suất tiền gửi bằng VND (HN:VND) bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,4-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1-6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Lãi suất tiền gửi USD của TCTD tiếp tục ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức. Về lãi suất cho vay, lãi suất ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 4,4%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm. Như vậy so với đầu năm, khi NHNN vẫn liên tục công bố tình hình lãi suất hàng tuần thì lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ giảm 0,1 điểm % (từ mức 4,5%/năm), còn lãi suất cho vay USD vẫn đứng yên.

3. Savills: M&A bất động sản có xu hướng chậm lại

Bà Lê Phương Lan, Trưởng Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Hà Nội đánh giá các hoạt động M&A trong hơn một năm vừa qua có xu hướng chậm lại. Lý do chủ yếu nhìn từ góc độ bên bán là nửa cuối năm 2020 - đầu 2021, giá bất động sản nhà ở của Việt Nam không hề giảm. Chính sách tiền tệ được nới lỏng khiến nhiều chủ bất động sản kỳ vọng dịch bệnh sẽ sớm qua và thị trường sẽ hồi phục mạnh, do đó họ tiếp tục giữ lại các bất động sản hoặc định giá bán ở một mức rất cao.

Ngược lại, đánh giá và kỳ vọng của bên mua không lạc quan như bên bán. Họ thận trọng hơn khi xuống tiền đầu tư tại thời điểm này với tâm lý chung là “chờ đợi rồi hành động”. Đồng thời vì nhiều lý do, tiến độ hoàn thành pháp lý của các dự án cũng bị chậm hơn so với dự kiến.

Một lý do khác là nhiều chủ đầu tư mong muốn chuyển nhượng dự án, tuy nhiên lại không có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Hoặc hai bên mua và bán chưa tìm được tiếng nói chung trong việc thực hiện giao dịch.

Đại diện Savills nhận định trước đây, nhu cầu M&A dự án diễn ra nhiều ở các khu vực quận trung tâm hoặc tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên quỹ đất tại các khu vực này ngày càng khan hiếm, giá giao dịch đã trở nên quá cao khiến các mô hình tài chính không còn hiệu quả. Do đó nhu cầu và dòng tiền có xu hướng dịch chuyển ra các địa phương lân cận. Có hai yếu tố chính dẫn dắt nhu cầu hiện nay là: Kết nối giao thông tốt với khu vực nội đô và sự hiện diện của những nhà phát triển bất động sản dẫn dắt thị trường.

Đánh giá triển vọng, bà Lan cho rằng nhà ở đô thị là phân khúc mang lại nhiều lợi nhuận và tiềm năng nhất cho các nhà đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam. Nhu cầu đối với khu công nghiệp và logistic cũng tăng nhanh trong 1,5 năm trở lại đây.

Thêm vào đó, các loại bất động sản đã vận hành gồm tòa văn phòng, căn hộ cho thuê có vị trí đẹp, tình trạng vận hành bảo dưỡng tốt, thời gian sử dụng đất còn dài luôn là những tài sản đầu tư ưa thích đối với những nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tìm kiếm dòng tiền dài hạn và ổn định. Thị trường này cũng ghi nhận giao dịch của các nhà đầu tư kinh doanh ở lĩnh vực khác muốn mở rộng và đa dạng hóa rủi ro bằng việc đầu tư nắm giữ bắt động sản.

Xu hướng M&A khác được chỉ ra ở các lĩnh vực bất động sản khách sạn nghỉ dưỡng, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ thể thao. Số lượng giao dịch M&A ở các loại hình này dự kiến tăng lên ở các thành phố biển du lịch, các vùng lân cận các thành phố lớn, nơi có thiên nhiên ưu đãi và quỹ đất lớn.

Đại diện Savills cũng nhấn mạnh trong thời gian tới, các thương vụ thành công sẽ nằm tại các dự án đất sạch, pháp lý rõ ràng, các tài sản hoàn thiện đang hoạt động.

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.