Investing.com -- Chủ tịch Coteccons (HM:CTD), Ông Bolat Duisenov khẳng định tình hình tài chính của công ty ổn, sẽ sớm thu hồi phần lớn nợ xấu.
Chiều 18.9, ban lãnh đạo CTCP Xây dựng Coteccons đã có buổi đối thoại kéo dài hơn 4 giờ với cổ đông. Tại đây, một số cổ đông đã đặt câu hỏi về tình hình nợ xấu và trích lập dự phòng của công ty.
Sẽ sớm thu hồi nợ xấu
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov nói khi nhìn thấy dấu hiệu của các khoản nợ khó thu hồi, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng. Tuy nhiên trích lập không đồng nghĩa với việc bỏ qua, mất đi khoản tiền đó mà là tác vụ quản trị rủi ro và tài chính của doanh nghiệp.
Theo ông, nợ xấu là vấn đề chung của cả ngành xây dựng thời gian qua. Nhưng công ty sẽ sớm thu hồi được phần lớn số tiền này và đồng thời ông cũng khẳng định tình hình tài chính của công ty vẫn ổn.
Ông Trần Ngọc Hải, Giám đốc điều hành Coteccons cũng cho biết lãnh đạo công ty sẽ theo dõi các khoản nợ xấu và thu hồi trong một khoảng thời gian nhất định khi thị trường cũng như chủ đầu tư qua giai đoạn khó khăn.
Cập nhật tại sự kiện, ông Hải cho biết khoản trích lập dự phòng đến nay của công ty vào khoảng 1.400 tỷ đồng. Dự kiến năm 2025 công ty trích lập 275 tỷ đồng - ít hơn rất nhiều so với năm 2024. Giám đốc Coteccons đánh giá đây là điểm sáng trong hoạt động của nhà thầu này.
Theo BCTC hợp nhất quý IV niên độ 2024, Coteccons đang có gần 2.243 tỷ đồng nợ xấu, tăng khoảng 669 tỷ so với cùng kỳ năm trước.
Phần lớn số này đến từ Công ty Ngôi Sao Việt (thuộc Tân Hoàng Minh), Công ty Saigon Glory (chủ đầu tư dự án tứ giác Bến Thành) và Công ty Minh Việt (chủ đầu tư Tricon Towers). Coteccons đã trích lập dự phòng hơn 60% các khoản nợ xấu kể trên.
Giá trị backlog 30.000 tỷ đồng
Ông Hải tự tin với tình hình kinh doanh của Coteccons trong thời gian tới với lượng backlog cho những năm sau có giá trị lên tới khoảng 30.000 tỷ đồng, riêng năm 2025 là hơn 22.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp có lượng tiền mặt lành mạnh, luôn được duy trì ở mức 3.800-4.000 tỷ đồng.
Ông Võ Hoàng Lâm, Tổng giám đốc Coteccons, nhận định thị trường địa ốc chưa hồi phục nhanh như kỳ vọng, vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Coteccons vẫn tích cực nhờ đa dạng trong nguồn thu và thị trường.
Theo ông Lâm, trong 3 năm gần đây, cơ cấu doanh thu có sự chuyển dịch, các dự án FDI tăng tỷ trọng lên đến hơn 50%. Khi thị trường trong nước chưa ổn định, doanh nghiệp có sự bù đắp từ khách hàng nước ngoài, có sự cân bằng giữa mảng dân dụng và công nghiệp.
Hiện nguồn thu từ xây dựng mảng công nghiệp của Coteccons chiếm xấp xỉ 50%, mảng xây dựng dân dụng hơn 40%, du lịch nghỉ dưỡng khoảng 5%.