Vietstock - Công ty mẹ muốn nâng sở hữu tại MSR (HN:MSR) lên gần 95%
Masan (HM:MSN) Horizon - Công ty mẹ sở hữu 86.39% vốn Masan High-Tech Materials (UPCoM: MSR) - đăng ký mua thêm gần 94 triệu cp MSR, dự kiến nâng sở hữu lên 94.94%.
Trong thông báo vào ngày 10/10, Công ty TNHH Tầm nhìn Masan (Masan Horizon) đã đăng ký mua gần 94 triệu cp MSR từ ngày 16-22/10/2024, với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu.
Trường hợp giao dịch thành công, Masan Horizon sẽ nâng sở hữu tại MSR từ gần 949.6 triệu cp (tỷ lệ 86.39%) lên gần 1.04 tỷ cp (tỷ lệ 94.94%).
Động thái muốn tăng sở hữu Masan Horizon trong bối cảnh cổ phiếu MSR đang giao dịch ở vùng khá thấp kể từ khi lên sàn. Tính đến hết ngày 14/10, mỗi cổ phiếu MSR có giá 12,600 đồng, giảm 13% so với đầu năm. Nếu xét theo mức giá hiện tại, ước tính Masan Horizon cần chi ra khoảng 1,184 tỷ đồng.
MSR có tiền thân là CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources) thành lập vào ngày 27/04/2010. Đến tháng 6/2020, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên đã phê duyệt việc đổi tên thành CTCP Masan High-Tech Materials. MSR thực chất là công ty con gián tiếp của Tập đoàn Masan (MSN) thông qua Masan Horizon.
Cơ cấu tổ chức của MSR tính đến ngầy 31/12/2023
Nguồn: BCTN 2023 của MSR
|
Trong hệ sinh thái, mới đây MSR đã thoái toàn bộ 100% vốn sở hữu tại H.C. Starck (HCS) cho Mitsubishi Materials Corp (MMC) với giá 134.5 triệu USD. Lượng tiền thu được từ giao dịch dự kiến sẽ giúp giảm nợ vay của MSR và góp phần vào mục tiêu giảm nợ ròng trên EBITDA của Tập đoàn Masan về mức dưới 3.5x.
Tập đoàn Masan dự kiến sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận một lần khoảng 40 triệu USD từ giao dịch này và hưởng lợi từ việc tăng lợi nhuận thuần sau thuế thêm 20-30 triệu USD trong dài hạn. Hoạt động kinh doanh cốt lõi của mảng khai khoáng cũng kỳ vọng được cải thiện hơn đáng kể so với khoản lỗ lớn trong năm 2023.
Nửa đầu năm 2024, MSR mang về gần 6,742 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước nhưng có đóng góp khá tích cực vào doanh thu của MSN. Sau khi khấu trừ toàn bộ, MSR lỗ ròng gần 1,078 tỷ đồng.
Masan High-Tech Materials đầu tư vào HCS năm 2020 với mục tiêu đưa công nghệ tinh chế và tái chế vonfram về Việt Nam để chuyển dịch sang mô hình kinh doanh tuần hoàn bền vững. Cũng trong năm đó, MSR và MMC Group đã ký kết hợp tác thiết lập liên minh chuỗi giá trị vonfram toàn cầu. Do điều kiện pháp lý tại Việt Nam chưa sẵn sàng cho phép nhập khẩu phế liệu vonfram để MSR hiện thực hóa chiến lược tái chế tại Việt Nam, Công ty dự kiến chuyển nhượng cổ phần HCS cho MMC Group để tập trung vào vận hành các mảng kinh doanh trong nước. Thỏa thuận khung này đánh dấu bước tiến tiếp theo trong hợp tác kinh doanh giữa hai bên. |
Huy Khải