Vietstock - Chuyên gia quản lý quỹ SSIAM chia sẻ kinh nghiệm quản lý danh mục trong năm 2023
“Chúng ta có thể học được rất nhiều từ quá trình đầu tư, dù thành công hay thất bại”.
Đây là chia sẻ của bà Hoàng Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI (HM:SSI) Research trong talkshow gõ cửa tháng mới chiều ngày 14/12. Chương trình có sự tham gia của ông Bùi Văn Tốt, CFA - Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM), vị chuyên gia này đã có nhiều chia sẻ hữu ích về kinh nghiệm đầu tư.
Chương trình "Gõ cửa tháng mới" số tháng 12 của SSI. Ảnh chụp màn hình.
|
Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong quá trình đầu tư, ông Tốt cho biết bài học đầu tiên cho năm 2023 và cả giai đoạn 2022 là “không nên chống lại xu hướng lãi suất của Fed”. Ông nhắc lại, Fed tăng lãi suất lần đầu vào tháng 3/2022 và đến nay nền kinh tế nói chung và các tài sản tài chính nói riêng đã trải qua 2 năm rất khó khăn.
“Trong giai đoạn tiếp theo, nếu mọi người kỳ vọng Fed bắt đầu giảm lãi suất từ 6 tháng cuối năm 2024, tôi cũng kỳ vọng mọi chuyện sẽ tốt hơn cho nền kinh tế nói chung và các sản phẩm tài chính nói riêng, trong có chứng khoán", ông Tốt nói.
Bài học thứ hai được chuyên gia từ SSIAM chia sẻ liên quan đến câu chuyện đa dạng hóa. Ông Tốt nhìn nhận, trong giai đoạn khó khăn của kinh tế (2022-2023), các công ty có mức độ đa dạng hóa về ngành, các sản phẩm khác nhau và các thị trường khác nhau thì có sức chống chọi tốt so với các công ty chỉ chú trọng vào một mảng nào đó, do rủi ro tập trung lớn.
Vị chuyên gia lấy ví dụ ở ngành tôm, “Thực phẩm Sao Ta có mức độ đa dạng hóa về ngành khá tốt”, ông nói, “nếu thị trường Mỹ yếu, thì họ tốt ở thị trường Nhật Bản và có mức lợi nhuận tốt hơn so với các công ty cùng ngành”. CTCP Cơ điện lạnh (HM:REE) là một ví dụ khác về mức độ đa dạng hóa ngành nghề, nếu năm 2023 mảng thủy điện của Công ty gặp khó do El Niño thì các mảng khác có dòng tiền tốt hơn.
Mở rộng ra, nhà đầu tư cũng nên có mức độ đa dạng hóa các tài sản khác nhau như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và tiền gửi. Điều này sẽ giúp cho danh mục của nhà đầu tư cân bằng hơn, “bảo vệ mình để không bị lệch khỏi cuộc chơi”, ông nói.
Ông Bùi Văn Tốt - Giám đốc Đầu tư SSIAM. Ảnh chụp màn hình
|
Tiếp lời chuyên gia SSIAM, bà Hoàng Việt Phương đặt vấn đề rằng việc đa dạng hóa là lời khuyên mà các nhà đầu tư lớn thường đưa ra, nhưng vận dụng như thế nào trong hoàn cảnh từng năm sẽ rất khác nhau.
Theo bà Phương, năm qua là năm khó, có những lúc nhiều tài sản giảm cùng lúc.
“Trong tình huống đấy sẽ khó xác định được nên tăng tỷ trọng ở tài sản nào, lúc đó cách tiếp cận đối với việc tăng hoặc giảm tỷ lệ một tài sản nào đó, nên có các tiếp cận như thế nào là hợp lý?”, bà Phương đặt vấn đề “những lúc khi các tài sản đều giảm cùng lúc, các nhà đầu tư sẽ bị cuốn theo và không biết cách xử lý như thế nào”.
Đáp lại vấn đề này, ông Tốt trả lời: “Đầu tiên, tôi nghĩ việc đa dạng hóa vào các lớp tài sản khác nhau sẽ giúp cho danh mục của mình có tính cân bằng về mặt lợi nhuận”.
Vị chuyên gia phân tích, năm nay, các tài sản có mức lợi nhuận rất khác. Bất động sản giảm, nhưng chứng khoán thì tăng, về mặt lợi nhuận thì cân bằng. Về mặt thanh khoản, trong giai đoạn tất cả các tài sản đều giảm như năm ngoái, sẽ có những tài sản giảm trước và những tài sản giảm sau, đồng thời có những tài sản có tính thanh khoản tốt hơn tài sản khác.
Như vậy, nếu chúng ta cần thanh khoản để làm một việc nào đó, như đóng tiền học cho con hoặc sinh hoạt, chúng ta có thể bán các tài sản có tính thanh khoản cao thay vì chỉ tập trung vào các tài sản có tính thanh khoản thấp như bất động sản. Thời điểm hiện tại muốn bán bất động sản thì rất khó do thanh khoản rất thấp, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến thanh khoản của chúng ta cũng như bài toán tài chính cá nhân.
“Việc đa dạng hóa tạo tính chủ động cho nhà đầu tư, để có thể phân bổ các tài sản khác nhau ở những thời điểm khác nhau hợp lý hơn”, ông Tốt kết luận.
Kha Nguyễn