Vietstock - Chuyên gia Dragon Capital nhận định thị trường khó giảm tới 20%
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối đầu tư Dragon Capital đưa ra nhận định thị trường khó giảm tới 20% trong sự kiện Investor day quý 1/2024 do Dragon Capital tổ chức ngày 16/04/2024.
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối đầu tư trình bày tại sự kiện. Ảnh chụp màn hình
|
Nói về tình hình vĩ mô thế giới, ông Tuấn cho biết sức khỏe kinh tế Mỹ tốt hơn kỳ vọng, khó có những cuộc khủng hoảng nhỏ trong nền kinh tế Mỹ. Còn các nước khu vực châu Âu có vấn đề riêng, tăng trưởng không như kỳ vọng.
Do đó, sự khác biệt lớn về chính sách tiền tệ (CSTT) đang dần xảy ra. Mỹ không nới lỏng nhanh trong khi NHTW Thụy Sỹ tiên phong cắt giảm lãi suất, NHTW châu Âu, Anh và Canada có thể cắt giảm lãi suất sớm và mạnh hơn cả Fed.
Chuyên gia của Dragon Capital nhận xét rằng các thành viên của Fed ngày càng thận trọng về số lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Trong cuộc họp tháng 3, Fed kỳ vọng cắt giảm 75 điểm, tức 3 lần trong năm nay. Trong khi đó, thị trường kỳ vọng chỉ từ 1-2 lần, khác biệt so với kỳ vọng 6 lần trước đó, cho thấy sự biến động rất mạnh về kỳ vọng của thị trường vào hành động của Fed.
Những biến động ở khu vực Trung Đông, cũng tạo ra sự biến động lớn của giá dầu, có thể ở mức tương đối cao trong thời gian lâu hơn kỳ vọng. Fed phải dời lịch cắt lãi suất nếu lạm phát chưa xuống ngay. Đồng USD được dự báo tiếp tục mạnh lên.
Đây là chu kỳ cuối vấn đề lãi suất cao của Mỹ, do đó đồng USD thường rất mạnh và ảnh hưởng lên đồng tiền của các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Về vĩ mô trong nước, điểm tích cực là sự phục hồi không chỉ ở sản xuất, mà dịch vụ cũng phục hồi tốt, tự báo tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6-6.5%. Định hướng của Chính phủ là tiếp tục nới lỏng và hỗ trợ kinh tế rất rõ nét.
Điểm tiêu cực là áp lực tỷ giá, do chênh lệch lãi suất âm, ảnh hưởng từ thị trường vàng và thị trường tiền mã hóa.
Thị trường khó giảm từ 15-20%
Giám đốc Khối đầu tư của Dragon Capital chỉ ra 3 điểm trụ cột của nền kinh tế và TTCK gồm: ổn định vĩ mô, tăng trưởng lợi nhuận và chính sách tiền tệ.
Ông cho biết trước kia Việt Nam có chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh và ổn định, nhưng chưa có tăng trưởng lợi nhuận. Bây giờ, có tăng trưởng lợi nhuận nhưng chính sách tiền tệ siết lại và ổn định có vấn đề. Chưa có được 3 yếu tố cùng đồng thuận, nếu cả 3 cùng đồng thuận thì có được một thị trường mạnh.
Theo Dragon Capital, dự phóng tăng trưởng lợi nhuận 80 doanh nghiệp hàng đầu từ 18-19% trong 2024 và sự phục hồi không riêng một ngành nào từ bán lẻ, ngân hàng,… ngành bất động sản dù lợi nhuận chưa phục hồi nhưng thị trường bất động sản TP.HCM và Hà Nội đã có độ ấm lên nhất định.
Kết quả sơ bộ quý 1 của 40 công ty trong top 80, lợi nhuận tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh chụp màn hình
|
Về định giá, P/E của 80 doanh nghiệp ở mức 11 lần và với tăng trưởng EPS được dự phóng từ 18-19%, thì định giá này tương đối hấp dẫn, nếu xét về mặt trung hạn, bỏ qua các biến động trong ngắn hạn.
Ảnh chụp màn hình
|
Ảnh chụp màn hình
|
Định giá P/B vẫn xung quanh 1 lần dung sai so với bình quân trong vòng 10 năm. Có nghĩa với xác suất này, thị trường giảm 15-20% cực kỳ khó. Khi những cú hiệu chỉnh về giá xảy ra, thì nghĩ đến chuyện đầu tư bền vững trung và dài hạn, không phải là lúc rời bỏ thị trường, ông Tuấn nói.
Vấn đề tỷ giá, ông nhận định những biến động trong thời gian qua so với khu vực thì chỉ ở mức trung bình. Nhưng vì chưa quen, nên biến động từ 4-5% là tương đối lớn với nhà đầu tư. Chính sách tiền tệ năm 2024 được đánh giá là nới lỏng hơn cả năm 2019, lãi suất mua nhà đang ở mức 4.8-6%. Để tìm cân bằng giữ tỷ giá và lãi suất, chính sách tiền tệ đâu đó sẽ có những đợt lãi suất tiền gửi tăng trong ngắn hạn từ 50 - 100 điểm (3-6 tháng tới).
Ông Tuấn cũng lưu ý lãi suất có thể đi lên nhưng không quá mạnh do tín dụng tăng trưởng vẫn khá chậm, nền kinh tế phục hồi nhưng độ hấp thụ còn yếu.
Kha Nguyễn