Vietstock - Grab và Go-Jek: Cuộc đối đầu không khoan nhượng
Hai công ty dịch vụ gọi xe Đông Nam Á Grab và Go-Jek đều đã vượt ngưỡng 100 triệu lượt tải ứng dụng. Cả hai công ty đều thu hút đầu tư từ một số công ty lớn nhất trên thế giới và cũng nhờ đó, Grab và Go-Jek trở thành hai trong số những start-up đáng giá nhất trong khu vực Đông Nam Á. Thậm chí, hai vị CEO của Grab và Go-Jek còn từng đi học chung một trường – Trường Kinh doanh Harvard.
Trong năm 2019, họ sẽ đối đầu trực tiếp với các kế hoạch mở vọng đầy tham vọng tại khu vực Đông Nam Á, không chỉ là mảng dịch vụ gọi xe cốt lõi mà còn nhiều dịch vụ khác.
Grab – có trụ sở ở Singapore – được thành lập trong năm 2012 và đã xây dựng hoạt động kinh doanh trải rộng ra 8 thị trường Đông Nam Á, nhờ mua lại mảng hoạt động của Uber – công ty đi đầu về dịch vụ gọi xe ở Mỹ.
Thế nhưng, Go-Jek đang tăng trưởng nhanh chóng. Được thành lập ở Indonesia trong năm 2010, Go-Jek không hề mộng tưởng đến phạm vi bên ngoài Indonesia cho tới năm trước (2018) khi họ công bố đầu tư 500 triệu USD vào kế hoạch mở rộng ra khu vực. Chỉ trong vòng vài tháng, Go-Jek đã thâm nhập sang Việt Nam và cạnh tranh trực tiếp với Grab.
Cách tiếp cận có phần thận trọng hơn đối với tăng trưởng quốc tế đã đẩy Go-Jek vào thế dễ bị ảnh hưởng trước sự giám sát chặt chẽ ngành gọi xe của các cơ quan điều hành trong khu vực. Tuần trước, Philippines đã ngăn chặn sự thâm nhập của Go-Jek vì nỗi lo về sở hữu nước ngoài.
Thế nhưng, các dịch vụ ở Thái Lan đã được tung ra vào cuối năm 2018, trong một dấu hiệu cho thấy việc yếu thế lúc ban đầu không thể cản đường tham vọng của Go-Jek. Hiện nay, Go-Jek còn đang nhắm thẳng tới quê nhà của Grab, Singapore. Go-Jek đã tung ra dịch vụ thử nghiệm cho một lượng khách hàng giới hạn ở Singapore trong tháng 11/2018. Trong ngày thứ Năm tuần trước (17/01), họ đã mở dịch vụ cho tất cả mọi khách hàng.
“Chúng tôi muốn mang sự lựa chọn trở lại thị trường gọi xe ở Đảo quốc sư tử, trung tâm đổi mới ở Đông Nam Á”, Chủ tịch Go-Jek, Andre Soelistyo, cho biết trong một tuyên bố.
Chiến lược của Go-Jek dường như bao gồm cạnh tranh giá với Grab và thu hút tài xế. Giá của Go-Jek thấp hơn từ 10-30% so với Grab. Và các tài xế dường như cũng thích Go-Jek hơn. “Tôi chuyển từ Grab sang Go-Jek vì Go-Jek mang lại ưu đãi tốt hơn cho tài xế”, một tài xế cho biết vào đầu tháng 1/2019.
Và giống như Grab, Go-Jek đang cố gắng thu hút người tiêu dùng và tài xế không chỉ cho mảng dịch vụ đặt xe mà còn các dịch vụ đi kèm như thanh toán điện tử. Họ đang tăng phạm vi dịch vụ trong các thị trường mới. Ở Việt Nam, Go-Jek đã liên kết với VietinBank để cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Ngoài ra, họ còn tuyên bố “hợp tác chiến lược” với DBS Group Holdingds – một trong những tổ chức cho vay lớn nhất Đông Nam Á – và cũng muốn đưa ra một dịch vụ tương tự.
Để hỗ trợ cho kế hoạch mở rộng, Go-Jek đã hợp tác với một số nhà đầu tư và đối tác có tên tuổi lớn. Họ được cho là sắp hoàn tất vòng gọi vốn 2 tỷ USD, được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư như Google (NASDAQ:GOOGL), Tencent Holdings, JD.com và một số nhà đầu tư khác. Theo một vài báo cáo, những cái “bắt tay” này sẽ giúp nâng mức định giá lên gần 9 tỷ USD.
Nếu có lo lắng, Grab cũng không thể hiện điều đó. “Chúng tôi có đối thủ cạnh tranh ở những quốc gia mà chúng tôi có hoạt động, và các đối thủ nhỏ đến rồi lại đi kể từ khi chúng tôi hoạt động trong 6 năm vừa qua”, một nhà điều hành của Grab nói với các phóng viên trong tháng 12/2018. “Với sự mở rộng của Go-Jek, chúng tôi cũng không thấy sự khác biệt”.
Những nhà quan sát ngành cho rằng, Go-Jek sẽ cần rất nhiều nguồn lực nếu muốn gây trở thành mối đe dọa tới Grab ở Singapore. “Có thể sẽ rất khó mà gầy dựng thị phần khi đối mặt với đối thủ cạnh tranh như Grab, trừ khi ‘người mới’ Go-Jek sẵn sàng đốt nhiều tiền hơn”, Walter Theseira, Chuyên gia về vận tải tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore, nhận định.
Ông nói thêm: “Go-Jek cần một lượng lớn tài xế và hành khách để cung cấp dịch vụ bền vững và chất lượng cao. Ngoài ra, vẫn chưa rõ là họ có thể làm vậy mà không có khoản trợ cấp lớn hay không”.
Ông Theseira cho rằng việc bắt tay với những công ty taxi địa phương rõ ràng là “một cách để xây dựng đội ngũ tài xế lớn một cách nhanh chóng”.
Hơn nữa, là một “người” đến sau, Go-Jek có thể gặp bất lợi trong cả khu vực Đông Nam Á. Quyết định ngăn Go-Jek cung cấp dịch vụ ở Philippines – nơi Grab đã đặt chân tới trong năm 2013 – là một bước lùi quá lớn đối với Go-Jek trong kế hoạch phá vỡ thế thống trị của Grab. Các nhà điều hành quả quyết cho rằng công ty liên kết của Go-Jek, Velox Technology Philippines, không tuân thủ theo quy định giới hạn sở hữu nước ngoài ở mức 40%.
Go-Jek có thể thử thâm nhập vào thị trường Philippines bằng cách thay đổi cấu trúc sở hữu của công ty liên kết. Dù vậy, Go-Jek đã chấp nhận về chuyện giới hạn sở hữu ở những quốc gia khác. Tại Việt Nam, hơn 50% cổ phần của Go-Viet được sở hữu bởi những cổ đông Việt Nam.
Tuy nhiên, Grab cũng đối mặt với những thách thức của riêng họ trong thị trường Philippines. Mặc dù thương vụ sáp nhập với Uber đã được thông qua trong năm trước, nhưng các cơ quan điều hành vẫn đang giám sát sự độc quyền của Grab (sau sáp nhập) trong 1 năm vừa qua.
Thỏa thuận sáp nhập Grab-Uber cũng khiến các cơ quan chức trách ở những quốc gia khác phải bàn tán xôn xao và đưa ra những án phạt dành cho Grab. Cơ quan giám sát cạnh tranh Singapore đưa ra quyết định phạt Grab và Uber tổng cộng 13 triệu đôla Singapore (hơn 9,5 triệu USD) do thương vụ sáp nhập của hai công ty. Theo cơ quan này, thương vụ đã làm suy giảm đáng kể tính cạnh tranh của thị trường gọi xe.
Dù vậy, Grab vẫn hướng về phía trước và mở rộng mảng hoạt động, quan hệ đối tác và bộ dịch vụ của họ.
Ở Singapore, Grab gần đây đã thêm vào một dịch vụ có tên là GrabFamily, cho phép người tiêu dùng đặt xe với một chiếc ghế trẻ em với một khoản phí bổ sung. Ở Thái Lan, họ trao tặng học bổng trị giá 1 triệu Bath (31,200 USD) cho những đứa con của các tài xế. Hơn nữa, Grab còn lên kế hoạch tuyển dụng 1,000 kỹ sư trong năm 2019 để tận dụng xu hướng công nghệ như trí thông minh nhân tạo.
Chăm sóc sức khỏe và chuyển tiền trực tuyến là một trong những dịch vụ mới mà Grab cho biết sẽ ra mắt trong năm nay. Tuần này, họ đã công bố kế hoạch thành lập một liên doanh với công ty ZhongAn Online P & C Insurance của Trung Quốc, một công ty bảo hiểm dựa trên Internet, để cung cấp các sản phẩm tài chính cho người dùng và tài xế Grab.
Năm 2018, Grab đã đầu tư vào Ovo, một nền tảng thanh toán kỹ thuật số của Indonesia được phát triển bởi Tập đoàn Lippo Group. Họ cũng công bố một thỏa thuận với Kasikornbank của Thái Lan về các dịch vụ thanh toán thông qua ứng dụng Grab tại nước này. Chưa hết, Grab đã hợp tác với Malayan Banking của Malaysia vào tháng 5/2018 và dịch vụ thanh toán kỹ thuật số Việt Nam MOCA vào tháng 9/2018.
Giống như Go-Jek, Grab cũng muốn huy động thêm vốn. Grab hiện được định giá ở mức 11 tỷ USD, sau khoản đầu tư 1 tỷ USD của Toyota Motor hồi tháng 6/2018. Trước đó, họ đã lên kế hoạch huy động thêm 3 tỷ USD từ vòng gọi vốn Series H, nhưng giờ được cho là đang muốn huy động 5 tỷ USD. Trong đó, Quỹ Tầm nhìn của SoftBank đang muốn bơm thêm 1.5 tỷ USD vào Grab.
Vũ Hạo (Theo Nikkie Asian Review)