Vietstock - Hàng nghìn người Trung Quốc có thể mất trắng tiền gửi ngân hàng
Tiền gửi tại 4 ngân hàng địa phương ở Trung Quốc đã bị đóng băng trong gần 2 tháng. Nhiều khách hàng không thể lấy lại tiền, thậm chí đứng trước nguy cơ mất trắng.
Theo CNN, ông Peter (tên do nhân vật cung cấp) - 45 tuổi, một doanh nhân Trung Quốc - là một trong số hàng nghìn người đang tìm cách lấy lại tiền tiết kiệm từ các ngân hàng nhỏ ở tỉnh Hà Nam. "Tôi suy sụp và không thể chợp mắt", ông Peter chia sẻ.
Ông gửi khoảng 6 triệu USD nhưng đã không thể truy cập tài khoản ngân hàng kể từ tháng 4. "Website của ngân hàng luôn báo bảo trì dịch vụ khi tôi cố đăng nhập", ông Peter kể lại.
Rắc rối bắt đầu vào đầu tháng 4, khi 4 nhà băng nhỏ ở tỉnh Hà Nam tạm ngừng cho khách hàng rút tiền. Các nhà băng này bao gồm Ngân hàng Nông thôn Vũ Châu, Ngân hàng Thượng Thái, Ngân hàng Cộng đồng Chá Thành và Ngân hàng Phương Đông Khai Phong.
Người dân biểu tình yêu cầu trả lại tiền sau khi tài khoản của họ bị đóng băng. Ảnh: CNN. |
Không thể lấy lại tiền
Ở Trung Quốc, các ngân hàng địa phương chỉ được nhận tiền gửi tiết kiệm từ người trong vùng. Nhưng theo giới chức Trung Quốc, một số ngân hàng đã dùng "nền tảng bên thứ 3" để thu hút tiền gửi ngoài khu vực. Chẳng hạn, ông Peter sống cách Hà Nam tới hơn 1.000 km.
Theo Ủy ban Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, kết quả điều tra chỉ ra New Fortune Group Hà Nam - một công ty đầu tư tư nhân có cổ phần ở cả 4 nhà băng - đã thông đồng với các nhân viên ngân hàng để huy động vốn trái phép thông qua những nền tảng trực tuyến của bên thứ 3.
Quy mô của các bê bối trong ngành ngân hàng, nhất là những vụ biển thủ tiền gửi, rất đáng báo động. Những gì mà chúng ta nhìn thấy có thể chỉ là phần nổi của tảng băng. Giáo sư Frank Xie tại Đại học Nam Carolina Aiken |
Hiện chưa có con số chính thức về khoản tiền bị giam tại các nhà băng. Nhưng theo ước tính của tạp chí Sanlian Lifeweek, khoảng 400.000 khách hàng trên khắp cả nước không thể lấy lại tiền tiết kiệm.
"Quy mô của các bê bối trong ngành ngân hàng, nhất là những vụ lãnh đạo ngân hàng chiếm đoạt tiền gửi, rất đáng báo động. Những gì mà chúng ta nhìn thấy có thể chỉ là phần nổi của tảng băng", giáo sư Frank Xie tại Đại học Nam Carolina Aiken cảnh báo.
Tháng trước, hàng trăm người đã tập trung trước văn phòng của Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc tại Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) để đòi lại tiền.
Mới đây, các nhà chức trách Trung Quốc đã mở cuộc điều tra công ty đầu tư New Fortune Group Hà Nam. Cuối ngày 20/6, 4 ngân hàng tại Hà Nam thông báo sẽ bắt đầu thống kê thông tin của những khách hàng bị ảnh hưởng theo yêu cầu của các cơ quan quản lý.
Thông tin khiến nhiều người thở phào nhẹ nhõm. Những khoản tiền gửi trên 500.000 NDT (khoảng 75.000 USD) sẽ được đảm bảo trong trường hợp ngân hàng phá sản. Nhưng với những người như ông Peter, nếu cảnh sát kết luận rằng khoản tiền gửi là trái phép, họ có thể mất trắng.
Rủi ro lan tỏa
Đầu năm 2021, chính quyền Bắc Kinh đã ban hành lệnh cấm các ngân hàng huy động tiền gửi thông qua những nền tảng trực tuyến thuộc bên thứ 3. Giới chức lo ngại rằng sự mở rộng nhanh chóng của lĩnh vực fintech (tài chính công nghệ) sẽ tạo ra nhiều rủi ro hệ thống.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc gọi đó là "những hoạt động tài chính phi pháp".
Trong khi đó, việc huy động tiền gửi thông qua bên thứ 3 có thể giúp các nhà băng lách những hạn chế về phạm vi hoạt động. Ở Hà Nam, theo truyền thông địa phương, các sản phẩm tiền gửi được rao bán trên những nền tảng liên kết, hoặc trực thuộc các gã khổng lồ công nghệ như Baidu và JD.com.
“Vấn đề cốt lõi là hệ thống tài chính của Trung Quốc mở rộng quá nhanh so với nền kinh tế", ông Logan Wright - Giám đốc Nghiên cứu thị trường Trung Quốc của Rhodium Group - nhận định. Quy mô của ngành ngân hàng Trung Quốc đã tăng gấp 6 lần kể từ năm 2008, với tổng tài sản đạt 50.000 tỷ USD.
Việc huy động tiền gửi thông qua bên thứ 3 có thể giúp các ngân hàng địa phương lách những hạn chế về phạm vi hoạt động. Ảnh: Reuters.
|
So với những ngân hàng lớn, các nhà băng nhỏ gặp nhiều rủi ro hơn. Bởi họ phụ thuộc vào tiền gửi và thường đưa ra mức lãi suất cao để thu hút khách hàng.
Nhưng khi kinh tế giảm tốc tăng trưởng, khách vay không đủ khả năng trả lãi, khiến các ngân hàng nhỏ cũng gặp khó trong việc trả tiền khách gửi.
Các nhà đầu tư cũng lo ngại rằng vụ việc ở Hà Nam sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa cho những nhà băng khác.
“Nền kinh tế suy thoái là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng ở Hà Nam gặp khó. Nhiều khả năng những ngân hàng khác cũng sẽ chịu ảnh hưởng, ngay cả các nhà băng lớn", ông George Magnus - chuyên gia phân tích tại Oxford University - bình luận. Ông Magnus cũng chỉ ra sự suy yếu của thị trường bất động sản, vốn đóng góp vào 25% GDP của Trung Quốc.
Hằng Nga