Vietstock - Thành ủy TP.HCM sẽ có 2 nghị quyết riêng về phát triển Thủ Đức và Cần Giờ
TP.Thủ Đức và H.Cần Giờ sẽ được Thành ủy TP.HCM ban hành nghị quyết riêng để tập trung nguồn lực, tạo thêm cơ chế giúp 2 địa phương phát triển theo đúng định hướng đề ra.
Thông tin này được ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2022 do UBND TP.HCM tổ chức hôm qua, 8.1.
Việc Thành ủy TP.HCM ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về TP.Thủ Đức và H.Cần Giờ nhằm tập trung nguồn lực, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền để 2 địa phương này phát triển và tạo thành động lực tăng trưởng mới cho thành phố trong tương lai.
“Quan điểm của thành phố là cấp nào làm tốt hơn thì mạnh dạn phân quyền”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định quan điểm của thành phố là nơi nào làm tốt hơn thì mạnh dạn phân quyền. Ảnh: Sỹ Đông |
TP.Thủ Đức được thành lập từ đầu năm 2021 trên cơ sở sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức, rộng hơn 211 km2, dân số hơn 1 triệu người. Dù được kỳ vọng trở thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM, đóng góp khoảng 30 tổng sản phẩm toàn TP.HCM nhưng đến nay thẩm quyền không khác gì đơn vị hành chính cấp huyện.
Các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Thủ Đức vẫn đang được các cơ quan chức năng TP.HCM xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Để đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt, lãnh đạo TP.Thủ Đức đề xuất TP.HCM mạnh dạn phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn nữa cho TP.Thủ Đức để chủ động giải quyết nhiều vướng mắc đang đối mặt cũng như những vấn đề phát sinh trong tương lai.
Cần Giờ được định hướng phát triển thành đô thị sinh thái biển. Ảnh: Sỹ Đông |
Đối với Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của TP.HCM, cũng là huyện rộng nhất thành phố với hơn 704 km2, dân số ít nhất thành phố với hơn 75.000 người. TP.HCM định hướng phát triển huyện này thành khu đô thị sinh thái biển, trở thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM trong giai đoạn 2025 - 2030.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các sở ngành, địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về TP.Thủ Đức và H.Cần Giờ sau khi được ban hành. Trong năm 2022, TP.HCM sẽ hoàn thành đề án phân cấp, ủy quyền cho TP.Thủ Đức và đề án cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.Thủ Đức.
Đối với H.Cần Giờ, trong năm 2022 sẽ tổ chức quy hoạch chi tiết khu đô thị du lịch biển Cần Giờ (rộng 2.870 ha) và quy hoạch xây dựng vùng H.Cần Giờ.
Ở lĩnh vực hạ tầng, lãnh đạo TP.HCM cho biết sẽ tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông; trong đó đẩy nhanh tiến độ dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hoàn thành vào cuối năm để chạy thương mại trong năm 2023. Ngoài ra, TP.HCM cũng triển khai các dự án giải quyết điểm nóng về giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, các dự án kết nối vùng như 2 dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, dự án đường vành đai 3, vành đai 4.
Thành lập khu công nghiệp Phạm Văn Hai Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất (KCX) và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết đã rất lâu rồi TP.HCM không có khu công nghiệp (KCN) mới trong khi các tỉnh lân cận có số lượng và quỹ đất tăng cao. Hiện các KCN-KCX chỉ còn tròm trèm 300 ha có thể cho thuê, khai thác được trong khi quy hoạch có đến 5.800 ha đất công nghiệp. Chưa kể, nhiều khu đất sạch trên địa bàn vướng về pháp lý nên không thể sử dụng, khai thác dẫn đến lãng phí. Ông Hưng cho biết năm 2022 sẽ tập trung thành lập KCN Phạm Văn Hai (H.Bình Chánh) quy mô 668 ha và 90 ha là khu dân cư liền kề và nhà ở cho công nhân. Đồng thời, Hepza cũng sẽ tham mưu chuyển đổi dần các KCN-KCX không còn phù hợp quy hoạch, nhà máy xí nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu. |
Sỹ Đông