Vietstock - Giá đất ở BR-VT, TPHCM 'nhảy múa' do đầu nậu, cò đất 'tạo sóng'
Giới đầu nậu, cò đất “thổi giá, tạo sóng” bằng cách lợi dụng những thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch, phát triển hạ tầng hoặc dự án.
* 'Chiêu' gây sốt đất ở Bình Ba, Bà Rịa - Vũng Tàu
* Câu chuyện 'sốt' đất ở Bình Ba
Cơn sốt đất đầu tháng 2/2020 vừa qua diễn ra nóng nhất tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi có thông tin một tập đoàn lớn đề xuất thực hiện dự án quy mô hơn 800ha, nằm dọc Quốc lộ 56. Sức nóng thể hiện rõ khi chỉ trong một ngày, một mảnh đất đổi chủ 3 - 4 lần, giá đất nhảy múa chóng mặt.
Cần có giải pháp để làm lành mạnh thị trường bất động sản. (Ảnh minh họa: KT) |
Các lô đất vườn, đất trong hẻm sát Quốc lộ 56 trước kia có giá từ 60 - 90 triệu đồng/mét ngang, nay lên mức 150 - 200 triệu đồng/mét ngang. Còn với đất thổ cư mặt đường, trước cơn sốt có giá 200 - 250 triệu đồng/mét ngang thì giờ được báo giá từ 500 - 550 triệu đồng/mét ngang.
Xe ô tô nối đuôi nhau tìm về khu vực này khiến giao thông luôn ùn tắc, nhiều điểm gây mất an toàn buộc lực lượng chức năng phải yêu cầu giải tán. Trên đường, cứ cách nhau khoảng chục mét lại có một nhóm cò đất mời chào khách. Giao dịch, mua bán diễn ra ngay trên đường, chủ yếu bằng giấy tay. Nhiều trường hợp giành giật nhau mua bán đất, xảy ra xô xát vì người bán bất ngờ rút lại do tìm được mối được giá hơn, thậm chí chủ một miếng đất nhận cọc từ hai người.
Đến thời điểm hiện tại, cơn sốt đất ở Bình Ba đã lắng xuống. Mặc dù mua bán tấp nập nhưng thông tin từ các văn phòng công chứng, văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn huyện Châu Đức cho thấy, chưa có con số giao dịch chính thống nào được thực hiện, có nghĩa là các giao dịch trong cơn sốt đều mang tính chất đầu cơ, không chính thức. Chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc xác minh, điều tra hành vi quảng cáo dự án không có thật, phân lô bán nền không đúng quy định của pháp luật.
Vụ việc ở Bình Ba không phải là chuyện mới, bởi trước đó tại TP. HCM (HM:HCM) cũng từng diễn ra cơn sốt giá đất ảo khu vực Quận 9, Quận 12, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi vào giai đoạn 2018 - 2019 do có thông tin một số huyện vùng ven được lên quận, hay ăn theo các thông tin về hạ tầng giao thông. Có nơi giá đất được đẩy lên 70% trong thời gian ngắn khiến việc mua nhà đất của người dân gặp khó khăn.
Tâm điểm cơn sốt ở Quận 9, giá đất liên tục tăng chóng mặt, thậm chí theo từng ngày, từng giờ, nay nhận cọc, mai sang tên đã lời được vài chục triệu đồng. Với sự vào cuộc kiểm tra của chính quyền địa phương, những cơn sốt đất vùng ven TP. HCM cũng nhanh chóng hạ nhiệt.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM nhận định, đối tượng chính tạo cơn sốt giá đất chính là giới đầu nậu, cò đất. Những đối tượng này thường dùng cách “thổi giá, tạo sóng” từ lợi dụng những thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch, phát triển hạ tầng hoặc dự án. Những người tham gia giao dịch, mua bán hầu hết là đầu cơ, ôm đất để tạo sự khan hiếm, tạo sức nóng kích thích tâm lý đám đông, lôi cuốn nhà đầu tư thứ cấp. Mặt bằng giá thực tế đã bị đẩy lên cao hơn so với giá trị thật.
Đối với những người dân có nhu cầu mua thật, ông Châu khuyến cáo cần thận trọng với giao dịch đất nông nghiệp bằng giấy tay. “Đối với những khu vực phân lô, tách thửa đất ruộng bằng giấy tay, thậm chí bằng vi bằng của thừa phát lại thì chúng tôi đề nghị bà con hết sức lưu ý, những hoạt động đó không đúng pháp luật và quyền lợi sẽ bị ảnh hưởng. Thậm chí bà con có thể bị mất tiền mà không thể hợp pháp hoá được thửa đất mình mua, có thể dẫn tới tranh chấp sau này không lường trước được”, ông Châu nêu rõ.
Phân tích về hệ quả mà những cơn sốt đất như vừa qua gây ra cho thị trường, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hoà cho rằng, thị trường thiết lập một mặt bằng giá mới khiến cho người mua thực sự khó khăn. Điều này sẽ gây ra sự xáo trộn xã hội nhất định vì các nhà đầu cơ đang bỏ tiền để đẩy giá cao lên, khi người dân mua chủ yếu sẽ mua trúng các lô đất của nhà đầu cơ chứ chưa chắc đã mua được lô đất rẻ. Rủi ro tiềm ẩn là nếu những thông tin về phát triển hạ tầng giao thông hoặc dự án không trở thành hiện thực thì những người ôm đất sau cùng có nguy cơ phải chôn vốn, hoặc tệ hơn là vỡ nợ.
Ảnh hưởng của việc xáo trộn xã hội còn thể hiện ở chỗ, người dân địa phương không tập trung vào việc trồng trọt, sản xuất nông nghiệp như bình thường mà sẽ cuốn vào vòng xoáy mua bán đất. Nếu thị trường mất thanh khoản thì nhiều người sẽ lâm vào cảnh khó khăn.
Ông Quang kiến nghị: “Chính quyền cần kiểm soát, đưa ra những thông tin về quy hoạch cho đầy đủ. Thứ hai, việc mua bán phải chính danh, tức là những đơn vị môi giới phải rõ ràng, minh bạch. Nếu không rất dễ xảy ra tình trạng một số người đứng giữa sẽ mang tính lừa đảo, không có đất mà bán đất. Chính quyền nên can thiệp vào những việc gây ảnh hưởng đến mất trật tự an ninh như tụ tập đông, lấn chiếm lòng lề đường”.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu TP. HCM cho rằng, người dân có thể không hiểu biết pháp luật, họ cũng không nhờ tư vấn nhưng cứ đi mua bán, giao dịch thì không khác gì nắm dao bằng lưỡi. Do đó, việc giải thích cho người dân bằng các phương tiện thông tin đại chúng cũng như bằng con đường hệ thống chính trị xuống tới tận phường, xã thì sẽ có tác dụng hơn nhiều. Ngoài ra, chính quyền cũng cần có biện pháp để xử lý giới đầu nậu, cò đất gây xáo trộn thị trường.
“Những người lừa đảo đó họ thu tiền, và phải có danh nghĩa nhất định. Chính quyền có thể được quyền truy tìm những công ty đó, kiểm tra họ về vấn đề thuế, kiểm tra hoạt động của họ có đúng thực chất như vậy không. Bởi vì khi họ rao bán, thu tiền cho những công trình hay dự án chưa có phép là họ đã vi phạm rồi, hoàn toàn có thể xử lý họ ngay”, ông Trương Trọng Nghĩa nói.
Rõ ràng, một thị trường dễ bị tác động, dễ gặp rủi ro từ những cơn sốt cục bộ, ngắn hạn thì chưa thể gọi là lành mạnh. Để góp phần lành mạnh hoá, cần sự chung tay của nhiều bên, từ phía chính quyền cho tới từng người dân. Về phía người dân, cần nâng cao hiểu biết pháp luật, không tham gia mua bán với tâm lý ham làm giàu nhanh để không tạo ra môi trường cho những người đầu cơ, cò đất lộng hành. Còn chính quyền cũng cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi và thông tin kịp thời tới người dân, có phương án đẩy lùi hoạt động giao dịch, mua bán “ngầm” để tránh gây hệ lụy xấu đến kinh tế - xã hội của địa phương./.
Duy Phương