Vietstock - Tháng 10: Xác suất VN-Index vượt ngưỡng 1,000 điểm đang cao hơn
CTCK Rồng Việt (VDSC, HOSE: VDS (HM:VDS)) nhận định kịch bản thị trường tháng 9/2019 nhiều khả năng tiếp diễn vào tháng 10. Thay vì đoán định điểm số thị trường, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung hơn đến việc chọn lọc cổ phiếu. Về dài hạn, nhà đầu tư cần chú ý đến các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh gắn liền với sự tăng trường từ tiêu dùng và đầu tư trong nước.
Theo báo cáo chiến lược tháng 10 vừa công bố, VDSC cho biết Việt Nam đang là thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt trong khu vực ASEAN khi chỉ số VN-Index tăng gần 11% trong năm 2019 . Tuy nhiên vẫn thấp hơn khá nhiều so với S&P 500 (tăng gần 19%).
Lợi nhuận TTCK theo nội tệ so với cùng kỳ năm 2019 Nguồn: Bloomberg. Giá ngày 27/09/2019. |
CTCK này đánh giá dòng vốn cần thay đổi đáng kể để lợi nhuận thị trường chứng khoán (TTCK) trong khu vực được cải thiện. Thực tế, nhà đầu tư toàn cầu đang không ưa chuộng các tài sản rủi ro như cổ phiếu. Trong khi trái phiếu toàn cầu đến thời điểm hiện tại trong năm 2019 đã thu hút gần 366 tỷ USD (theo EPFR) thì dòng vốn bị rút khỏi TTCK là 177 tỷ USD. Và VDSC nhận định xu hướng dòng tiền này sẽ không dễ thay đổi trong quý 4/2019.
Tăng trưởng GDP thực của Việt Nam cao nhất trong gần một thập kỷ qua
Theo số liệu từ Tổng cục Thống Kê, tăng trưởng GDP thực trong 9 tháng 2019 đạt gần 7% so cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong gần một thập kỷ qua. So với các nước trong khu vực, số liệu cho thấy Việt Nam đang đi ngược dòng với xu hướng giảm tốc chung.
Kể từ khi nền kinh tế hồi phục từ năm 2015, GDP danh nghĩa của Việt Nam liên tục tăng trưởng và đạt đỉnh vào năm 2017, 11.2% so với cùng kỳ năm trước, trước khi điều chỉnh và giảm dần cho đến nay. Quá trình trên cơ bản đồng nhất với thời kỳ mở rộng tăng trưởng cung tiền và tín dụng tại Việt Nam trong giai đoạn 2015-2017 trước khi cả hai biến số trên được điều chỉnh mạnh về ngưỡng 14% trong 2 năm gần đây. Trong khi đó, tăng trưởng GDP thực đang đưa ra một bức tranh khá khác biệt khi bứt phá từ 2017 và duy trì ổn định ở ngưỡng cao cho đến hiện tại.
Tăng trường GDP so với cùng kỳ Nguồn: Tổng cục Thống kê, VDSC tổng hợp |
VDSC cho rằng thành tích tăng trưởng GDP thực kể trên đạt được nhờ nỗ lực kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong bối cảnh kết quả hoạt động sản xuất chung của nền kinh tế giữ ổn định.
Tuy nhiên theo CTCK này, tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung đang ở bên kia sườn dốc và lo ngại về nhu cầu hàng hóa toàn cầu sụt giảm đang đè nặng lên giá dầu thô. Hiện tại, giá dầu thô WTI đã giảm 22% so với mức đỉnh giữa năm 2018, về ngưỡng 53 USD/thùng.
TTCK tháng 9/2019: Thử thách 1,000 điểm
Thị trường dao động với biên độ ngày càng hẹp và các nhịp điều chỉnh/hồi phục ngày càng gần hơn, thể hiện qua việc VN-Index 2 lần tiếp cận ngưỡng kháng cự 1,000 điểm trong tháng 9. Theo VDSC, các yếu tố vĩ mô trong nước tích cực như Ngân hàng nhà nước giảm lãi suất điều hành và tăng trưởng GDP cùng kỳ cao nhất trong 9 năm là điểm sáng hỗ trợ thị trường trong bối cảnh nhà đầu tư ngoại vẫn bán ròng.
Một sự kiện đáng chú ý cuối tháng vừa qua là kỳ công bố xếp hạng thị trường của FTSE Russell. Trong lần review này TTCK Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier) lên mới nổi loại hai (Secondary Emerging). Ngoài ra, FTSE cũng khuyến nghị Việt Nam cần rút ngắn thời gian mở tài khoản và có cơ chế mới dễ dàng hơn trong giao dịch giữa các nhà đầu tư ngoại đối với với các cổ phiếu đã hoặc đang gần chạm tỷ lệ giới hạn sở hữu nước ngoài.
Diễn biến của VN-Index trong tháng 9/2019 Nguồn: VDSC |
Khối ngoại bán ròng trong tháng 9
VDSC thống kê giá trị bán ròng của khối ngoại trên sàn HOSE trong tháng 9 đạt 1,170 tỷ đồng, cao thứ 3 kể từ đầu năm nay, trong đó phiên cơ cấu danh mục của các quỹ ETF có giá trị bán ròng hơn 600 tỷ đồng.
Tuy nhiên khác với 2 lần trước khi thị trường giảm mạnh trước áp lực bán từ khối ngoại, VN-Index trong tháng 9 vẫn tăng 1.3% nhờ lực đỡ từ dòng tiền nội.
Các quỹ ETF bị rút ròng gần 12 triệu USD trong tháng 9, giảm mạnh so với lượng rút ròng gần 50 triệu USD trong tháng 8. Theo quan sát của VDSC, giao dịch của khối ngoại trên sàn có diễn biến đồng thuận với giá trị vốn bơm/rút ròng từ các quỹ ETF và có độ trễ khoảng 1 tháng. Như vậy, mặc dù chuỗi rút vốn của nhà đầu tư ngoại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, CTCK này cho rằng áp lực bán của khối ngoại trên sàn sẽ giảm bớt trong tháng 10.
Tất cả các quỹ ETF lớn đều bị rút vốn trong tháng 9: Vaneck (-1.6 triệu USD), FTSE (-3.7 triệu USD), KIM (-4.5 triệu USD) và VFMVN30 (-3.8 triệu USD). Trong khi đó lượng tiền vào qua quỹ mới Premia là không nhiều (+1.4 triệu USD).
Mặc dù khía cạnh trong nước thuận lợi, môi trường bên ngoài vẫn còn nhiều rủi ro khi nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ, đang có xu hướng tăng chậm lại. Chỉ số sản xuất của Mỹ chỉ đạt 47.8 trong tháng 9, thấp nhất trong 10 năm qua. Kết quả là thị trường đang đặt cược nhiều hơn vào việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ phải tiếp tục giảm lãi suất vào kỳ họp cuối tháng Mười này.
Thị trường có thể khởi sắc trong tháng 10
Tóm lại, VDSC thấy rằng thị trường có thể khởi sắc trong tháng 10 nhờ nội tại vĩ mô tích cực và KQKD quý 3/2019 khả quan của các nhóm ngành dẫn dắt. Do vậy, xác suất VN-Index vượt ngưỡng 1,000 điểm đang cao hơn. Mặc dù vậy, khả năng duy trì trên mốc này vẫn đối diện nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền ngoại vẫn chưa có dấu hiệu quay trở lại trong tháng 10.
Dù vậy, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận và hạ giá vốn rõ ràng vẫn hiện hữu nếu nhà đầu tư giải ngân trong những nhịp điều chỉnh của thị trường, thay vì mua đuổi khi chỉ số vượt lên trên mức 990 điểm.
Tác động đan xen từ yếu tố thế giới và trong nước khiến việc đoán định điểm số thị trường trở nên không còn trọng yếu. Thay vào đó, như quan điểm xuyên suốt từ đầu năm, VDSC đề cao việc chọn lọc cổ phiếu nhiều hơn. Trong đó, CTCK này cho rằng các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh gắn liền với sự tăng trưởng từ tiêu dùng và đầu tư trong nước là những doanh nghiệp mà nhà đầu tư với mục tiêu nắm giữ dài hạn có thể xem xét.
Duy Na