Vietstock - Dow Jones rớt 200 điểm, đánh dấu 4 phiên giảm liên tiếp
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào ngày thứ Năm (07/03), sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 và thông báo về vòng kích thích mới để hỗ trợ các ngân hàng trong khu vực, qua đó làm dấy lên lo ngại về nền kinh tế toàn cầu, CNBC đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones sụt 200.23 điểm xuống 25,473.23 điểm, khi cổ phiếu Caterpillar và Walgreens Boots Alliance có thành quả yếu kém. Chỉ số S&P 500 mất 0.8% còn 2,748.93 điểm, dẫn đầu là đà sụt giảm của lĩnh vực tài chính và hàng tiêu dùng không thiết yếu. Chỉ số Nasdaq Composite lùi 1.1% xuống 7,421.46 điểm. Cả 3 chỉ số chính đã đồng loạt giảm 4 phiên liên tiếp.
Cổ phiếu Bank of America, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Citigroup đều giảm khoảng 1%. Chứng chỉ quỹ SPDR S&P Bank ETF mất 1.6%.
Chủ tịch ECB, Mario Draghi, cho biết Ngân hàng này đã hạ dự báo tăng trưởng từ 1.7% xuống 1.1%.
ECB cũng cho biết chương trình kích thích hoạt động tái tài trợ dài hạn (TLTRO-III) có mục tiêu mới sẽ bắt đầu vào tháng 9/2019 và kéo dài đến tháng 3/2021. TLTRO là các khoản vay do ECB cung cấp cho các ngân hàng châu Âu với lãi suất thấp, nhằm giúp các ngân hàng này có thể dễ dàng cho người tiêu dùng vay tiền, qua đó có thể giúp kích thích nền kinh tế. Đây là mũi tiêm kích thích thứ 3 từ ECB kể từ năm 2014.
“Về cơ bản họ đang thừa nhận nền kinh tế khá là ảm đạm. Điều này thêm vào một điều: sự không chắc chắn”, Peter Cardillo, Chuyên gia kinh tế thị trường hàng đầu tại Spartan Capital Securities, nhận định.
Thông báo của ECB được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về khả năng giảm tốc kinh tế trên toàn cầu. Ngân hàng trung ương Canada cho biết hôm thứ Tư (06/03) rằng sự không chắc chắn đang gia tăng về động thái nâng lãi suất trong tương lai, trong khi tăng trưởng GDP quý 4/2018 của Australia chỉ đạt 0.2%. Còn tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi tín hiệu rằng sẽ “kiên nhẫn” trong việc nâng lãi suất.
Đồng USD tăng mạnh so với các đồng tiền khác, với chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – tiến 0.85% lên 97.70. So với đồng Euro, đồng bạc xanh đã tăng 1.1% lên 1.1181 USD.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm, trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống 2.63%, còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm hạ xuống 2.47%.
Các động thái của chứng khoán trong ngày thứ Năm diễn ra sau khi các chỉ số chính đồng loạt chìm vào sắc đỏ trong phiên trước đó, khi nhà đầu tư mong muốn biết chi tiết từ các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Dữ liệu hôm thứ Tư (06/03) cho biết rằng thâm hụt thương mại Mỹ vẫn là một vấn đề. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp một loạt hàng rào thuế quan đối với các nước như Trung Quốc, trong nỗ lực làm giảm thâm hụt thương mại nước này. Tuy nhiên, dữ liệu trong ngày thứ Tư cho thấy thâm hụt thương mại Mỹ đã lên đỉnh 10 năm trong tháng 12/2018.
An Trần