Vietstock - Cái giá của 'Zero Covid-19' ở nơi bùng dịch lớn nhất Trung Quốc
Người dân Thượng Hải ngày càng thể hiện sự bức xúc trước cách giới chức trách kiểm soát dịch, giữa lúc thành phố phải phong tỏa để đối phó đợt bùng phát tồi tệ nhất ở nước này.
Người phụ nữ lớn tuổi ngồi trên ghế, khi ba người bạn đồng hành của bà tranh cãi với cảnh sát và những người mặc đồ bảo hộ màu trắng. Họ nói đủ lớn để cư dân có thể nghe thấy từ một tòa chung cư cao hơn chục tầng.
"Mấy ngày nay bà ấy phát sốt rồi", một người bạn nói với những nhân viên mặc đồ bảo hộ, ám chỉ tới người phụ nữ trên.
Khoảng một giờ sau, một trong những người bạn đưa cho người phụ nữ này gói thuốc do nhân viên mặc đồ bảo hộ cung cấp. Một bức ảnh cận cảnh cho thấy đó là Lianhua Qingwen, một phương thuốc truyền thống được Trung Quốc khuyên dùng để điều trị Covid-19, theo Reuters.
Một người đàn ông họ Zhang cho biết người phụ nữ đang cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ. Bà đã tự xét nghiệm và có kết quả dương tính, song chưa nhận được kết quả xét nghiệm chính thức. Do vậy, vẫn chưa rõ bà sẽ nhận được dịch vụ chăm sóc nào.
Người phụ nữ và những người bạn đồng hành của bà cuối cùng đã từ bỏ việc tìm kiếm sự giúp đỡ trên đường phố Thượng Hải.
Người dân bức xúc
Hoàn cảnh mà các phóng viên Reuters chứng kiến hôm 5/4 phần nào thể hiện cuộc sống ở Thượng Hải, thành phố đông dân nhất Trung Quốc nhưng giờ đây lại đang chìm vào sự vắng lặng khcá thường. Thành phố với 26 triệu dân này đã áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, trong nỗ lực dập tắt đợt bùng phát Covid-19 kéo dài một tháng.
Thượng Hải đang cố gắng phát hiện và cách ly tập trung những ca mắc Covid-19, cùng với những người tiếp xúc gần với họ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chính quyền địa phương đang phải vật lộn để thực hiện nhiệm vụ đó với quy mô của thành phố.
Những lời phàn nàn đang nổi lên, bao gồm hướng dẫn không rõ ràng về việc phải làm gì nếu một người có kết quả xét nghiệm dương tính, chờ đợi quá lâu để vào các khu cách ly tập trung, cũng như tình trạng đông đúc và mất vệ sinh của những trung tâm này.
Một người đàn ông đo nhiệt độ cho một phụ nữ lớn tuổi trên đường phố Thượng Hải. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc không cho phép cách ly tại nhà, nhưng một số người dân Thượng Hải cho biết chính quyền đã mất nhiều ngày để vận chuyển những ca mắc Covid-19, gây ra sự lo lắng và hoang mang. Việc khó tiếp cận với các dịch vụ điều trị y tế thiết yếu, cũng như khó khăn trong việc mua thực phẩm cũng là những vấn đề phổ biến.
Nhiều người đã lên mạng xã hội để "xả bực tức" vì đa số thậm chí không được phép rời khỏi nhà. Sự chỉ trích về việc phong tỏa ngày càng gia tăng trong bối cảnh lo ngại về việc hạn chế tiếp cận điều trị y tế đối với các bệnh không mắc Covid-19.
Bên cạnh đó, một số người còn nhận định thiệt hại đối với sinh kế của họ đang tăng lên từng ngày.
“Tôi đã thực hiện rất nhiều xét nghiệm PCR kể từ giữa tháng 3, nhưng tôi vẫn không được phép tiếp tục làm việc dù kết quả âm tính”, Hu Bing, một nhân viên giao hàng của chuỗi siêu thị địa phương, cho biết.
Đặt câu hỏi về cách chống dịch
Các nhà chức trách ở Thượng Hải đang gặp khó khăn trong việc phân phối đồ ăn cho người dân, khi thực phẩm và những nguồn cung quan trọng khác cạn kiệt, trong đợt phong tỏa lớn nhất Trung Quốc kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Hoạt động tại trung tâm tài chính của Trung Quốc đã tạm dừng, với hầu hết lĩnh vực không quan trọng bị đóng cửa. Dịch vụ giao thực phẩm gần như ngưng hoạt động, giữa lúc người dân phải ở yên trong nhà khi số ca nhiễm đạt mức cao kỷ lục trong tuần này.
Vào ngày 5/4, thành phố ghi nhận con số kỷ lục với hơn 17.000 ca mắc, chiếm hơn 80% số trường hợp của cả nước. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp đều không có triệu chứng.
Nhân viên phân loại túi rau củ và thực phẩm tại Thượng Hải hôm 5/4. Ảnh: Reuters. |
Thượng Hải đã rơi vào tình trạng phong tỏa theo hai giai đoạn vào đầu tuần trước và dự kiến kết thúc vào ngày 5/4. Tuy nhiên, giới chức sau đó đã phải áp lệnh phong tỏa toàn thành phố để kiềm chế đợt bùng phát, vốn nằm trong chính sách "Zero Covid-19" của nước này.
Các túi nhựa chứa đầy cá, thịt và rau đã được dỡ xuống từ những xe tải trên khắp thành phố hôm 6/4. Tuy nhiên, không phải tất cả ngôi nhà đều nhận được thực phẩm, làm dấy lên lo ngại đối với những người đang dần cạn kiệt đồ ăn dự trữ. Dịch vụ giao đồ ăn cũng chỉ hoạt động lẻ tẻ.
"Tôi chỉ dự trữ trong 5 ngày vì chính quyền cho biết việc phong tỏa sẽ kết thúc vào ngày 5/4. Bây giờ, tôi đang dựa vào thiện chí của chủ nhà để có thức ăn”, Xiao Gang, một tài xế ở ngoại ô Thượng Hải vẫn chưa nhận được hỗ trợ thực phẩm của chính quyền, cho biết.
Chính quyền Thượng Hải hôm 6/4 thừa nhận rằng thực phẩm và các nguồn cung cấp thiết yếu khác đang thiếu hụt do nhiều vấn đề về hậu cần.
"Đúng là có một số khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp các nhu cầu thiết yếu hàng ngày", quan chức thành phố Liu Min cho biết. "Hoạt động hậu cần giữa các tỉnh không được suôn sẻ do ảnh hưởng của đợt bùng phát. Điều đó đã dẫn đến sự chậm trễ”.
Ngày càng nhiều chuyên gia Trung Quốc công khai đặt câu hỏi về trung tâm cách ly và chiến lược chống dịch hà khắc vốn đang đe dọa nền kinh tế số 2 thế giới.
"Trong tình hình hiện tại, đến bệnh viện có thể không phải là cách tốt, đặc biệt là các bệnh viện tạm thời”, Wang Jie, tác giả về khoa học ở Thượng Hải, nói với một chuyên gia tại trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của thành phố.
Đoạn ghi âm của ông Wang, được công bố hôm 2/4, đã bị xóa khỏi mạng xã hội của Trung Quốc. Bên cạnh đó, có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ nới lỏng chính sách chống dịch, ngay cả khi phần lớn thế giới đang chuyển sang sống chung với Covid-19.
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải những câu chuyện mô tả một đợt phong tỏa được quản lý tốt ở Thượng Hải.
Vân Đinh