Chuyển động dòng tiền 28/01 - 01/02
Vietstock - Trước kỳ nghỉ Tết, dòng tiền chảy vào cổ phiếu vốn hóa lớn
Tuần giao dịch từ 28/01 - 01/02 là khép màn năm Mậu Tuất của thị trường chứng khoán với diễn biến suy yếu của dòng tiền. Mặc dù vậy, diễn biến trên HOSE lại không quá bị quan khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trở thành tâm điểm.
Trong tuần giao dịch cuối cùng của năm Mậu Tuất, thanh khoản cả hai sàn HOSE và HNX đều sụt giảm về mặt khối lượng giao dịch. Cụ thể, khối lượng giao dịch bình quân của sàn HOSE ở mức 134.6 triệu đơn vị/phiên, giảm nhẹ gần 0.3% so với tuần trước; trong khi khối lượng giao dịch bình quân trên HNX, giảm tới hơn 14% về mức 23 triệu đơn vị/phiên.
Tuy nhiên, giá trị giao dịch bình quân lại có diễn biến trái nghịch. Sàn HOSE ghi nhận giá trị bình quân tăng tới gần 17% so với tuần trước đó lên hơn 3,262 tỷ đồng. Còn sàn HNX lại có giá trị giao dịch bình quân giảm gần 12% xuống còn 298 tỷ đồng.
Diễn biến khối lượng giao dịch và giá trị trên sàn HOSE cho thấy dòng tiền trong tuần qua tập trung mạnh vào nhóm có thị giá lớn. Mặt khác, một vài cổ phiếu vốn hóa lớn cũng thu hút dòng tiền.
Mặc dù vậy, cổ phiếu tăng thanh khoản mạnh nhất trong tuần lại là DLG, mã cổ phiếu không nằm trong cả hai nhóm kể trên. Cụ thể, khối lượng giao dịch bình quân của DLG tăng tới hơn 360% so với tuần trước đó lên gần 4.5 triệu đơn vị/phiên. Động thái thanh khoản tăng mạnh diễn ra khi mã này cũng đang trong đà giảm giá khi mất phân nửa thị giá kể từ tháng 10/2018. Phải chăng DLG đã lọt vào mắt nhanh của dòng tiền bắt đáy?
Cùng thuộc nhóm vốn hóa nhỏ, SHI cũng có thanh khoản tăng mạnh tới hơn 228% so với tuần trước. Song khác với DLG, giá của SHI tăng gần 8.5% lên 7,540 đồng/cp.
Các mã có thanh khoản tăng mạnh trên 100% khác phần lớn đều là các cổ phiếu vốn hóa lớn. Có tới 2 mã của bộ ba nhà Vingroup ở trong nhóm này, đó là VIC và VRE với khối lượng giao dịch bình quân tăng lần lượt hơn 156% và 101% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, thị giá của 2 mã này lại giảm so với tuần trước.
POW là mã có thanh khoản tăng đáng chú ý với mức tăng khối lượng giao dịch bình quân trên 255% lên gần 4 triệu đơn vị/phiên. Dòng tiền chảy vào mạnh cũng đẩy giá cổ phiếu POW tăng gần 7.5% lên mức 16,550 đồng/cp.
Bên cạnh đó nhiều mã vốn hóa lớn như FPT, PNJ, VHM, REE… cũng đều có thanh khoản tăng tốt so với tuần trước đó.
Xét về nhóm ngành, thép là nhóm có nhiều mã lọt top cổ phiếu tăng thanh khoản mạnh trên HOSE tuần trước đợt nghỉ dài. Các mã HPG, TLH, NKG đều có thanh khoản vận động tích cực. Tuy giá của các cổ phiếu này đều giảm trong tuần.
Động thái chuyển dịch vào các mã vốn hóa lớn đã khiến dòng tiền suy yếu đối với nhiều mã vốn hóa vừa và nhỏ.
SKG dẫn đầu danh sách giảm thanh khoản với khối lượng giao dịch bình quân sụt tới 70% so với tuần trước về hơn 102,500 đơn vị/phiên. Nhiều mã khác như HPX, SJS, VND… cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Xét về nhóm ngành, các đại diện TPB, STB và CTG đã đưa Ngân hàng thành nhóm có thanh khoản sụt giảm mạnh. Đồng thời, nhiều mã Bất động sản cũng chung cảnh ngộ như ITA, LHG, TDH…
Diễn biến trên HNX càng thể hiện rõ tình trạng thiếu hụt thanh khoản của dòng tiền tuần qua trên sàn này. Toàn sàn chỉ có 6 mã có thanh khoản tăng so với tuần trước. Trong đó, DPS là mã có khối lượng giao dịch bình quân tăng mạnh nhất, 115% so với tuần trước, lên hơn 266,000 đơn vị/phiên.
Mặt khác, lượng cổ phiếu có thanh khoản sụt giảm so với tuần trước lại tăng vọt với các đại diện chủ yếu đến từ nhóm Tài chính – Ngân hàng như: NVB, ART, ACB (HN:ACB), SHB (HN:SHB), SHS (HN:SHS).
Top 20 cổ phiếu tăng/giảm thanh khoản mạnh nhất trên HOSE
|
Những cổ phiếu tăng/giảm thanh khoản mạnh nhất trên HNX
|
* Danh sách các mã tăng, giảm thanh khoản nhiều nhất xét đến khối lượng giao dịch bình quân trên 100,000 đơn vị/phiên.
Chí Kiên