Vietstock - Năm 2018, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng yếu nhất trong 6 năm
Trong 3 tháng cuối năm 2018, nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng nhanh nhất trong 3 quý, khi sự gia tăng chi tiêu Chính phủ thúc đẩy hoạt động xây dựng và đầu tư, mặc dù xuất khẩu yếu ớt phủ bóng đen về triển vọng tăng trưởng trong tương lai. Dù tăng mạnh vào những tháng cuối năm, nhưng tính cả năm 2018, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 2.7%, yếu nhất trong 6 năm.
GDP quý 4/2018 (đã điều chỉnh yếu tố mùa vụ) tăng trưởng 1% so với quý trước đó, ước tính của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cho thấy, cao hơn dự báo 0.6% của các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Reuters.
Xét trên cơ sở năm, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 3.1%, nhẹ nhàng vượt mức 2% của quý 3/2018 và đánh dấu mức tăng trưởng nhanh nhất trong 5 quý.
Nền kinh tế chứng kiến sự tăng vọt của chi tiêu Chính phủ, vốn tăng trưởng 3.1% so với quý trước, mức tăng mạnh nhất trong gần 9 năm và giúp thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng và vốn.
“Sự gia tăng chi tiêu tài khóa khi gần về cuối năm đã bù đắp cho tác động tiêu cực từ kim ngạch xuất khẩu, khi xuất khẩu chip và các thiết bị điện tử suy giảm”, một quan chức NHTW cho biết.
Hoạt dộng đầu tư xây dựng tăng trưởng 1.2% trong quý 4/2018, còn đầu tư vốn tăng vọt 3.8%, mức tăng mạnh nhất trong 6 quý.
Tiêu dùng khu vực tư tăng trưởng nhanh gấp đôi so với quý 3/2019, với mức tăng trưởng 1%.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại giảm 2.2% so với quý trước và vẫn còn là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại như Hàn Quốc trong năm nay.
Thật vậy, nhìn qua cả năm 2018, nổi bật sẽ là câu chuyện về căng thẳng gia tăng ở khắp nền kinh tế. Tăng trưởng năm 2018 đạt 2.7%, thấp nhất trong 6 năm, nhưng trùng khớp với dự báo của BoK.
Nhà đầu tư lo ngại đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể tác động nặng nề tới tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm từ Hàn Quốc, như chip bộ nhớ và sản phẩm hóa dầu.
Các dấu hiệu suy yếu ở Trung Quốc – vốn đóng góp 1/3 vào tăng trưởng toàn cầu trong những năm gần đây – đã làm dấy lên lo ngại về những rủi ro tác động tới nền kinh tế toàn cầu và đang đè nặng lên lợi nhuận của các công ty từ Apple (NASDAQ:AAPL) cho tới các nhà sản xuất xe hơi lớn. Năm 2018, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6.6%, yếu nhất trong gần 3 thập kỷ, bị tổn thương vì chiến tranh thương mại và nhu cầu nội địa ngày càng giảm.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 12/2018 bất ngờ trượt dốc khi lượng hàng hóa xuất khẩu tới Trung Quốc – đối tác xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc – giảm 14% so với cùng kỳ năm trước, mức lao dốc mạnh nhất trong hơn 2 năm.
Áp lực lên nền kinh tế Hàn Quốc được dự báo tiếp diễn trong năm nay và có khả năng khiến BoK giữ nguyên chính sách sau khi nâng lãi suất trong tháng 11/2018 – chủ yếu là để kìm hãm sự bùng nổ của thị trường bất động sản.
BoK sẽ tổ chức cuộc họp chính sách đầu tiên trong năm 2019 vào ngày thứ Năm (24/01).
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong ngày thứ Hai (21/01), đồng thời cảnh báo đà tăng trưởng mà chúng ta chứng kiến trong vài năm gần đây đang dần mất đà.
IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3.5% trong năm 2019, thấp hơn 0.2 điểm phần trăm dự báo tháng 10/2018 và tăng trưởng 3.6% trong năm 2020, thấp hơn 0.2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Điều này đánh dấu lần điều chỉnh giảm thứ hai trong vòng 3 tháng vừa qua.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Tổng Giám đốc IMF, Christine Lagarde, cho biết: “Sau 2 năm tăng trưởng mạnh, nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm hơn so với dự báo và rủi ro ngày càng tăng. Thế nhưng, ngay cả khi tiếp tục tăng trưởng… thì nền kinh tế cũng đối mặt với nhiều rủi ro hơn”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)