Vietstock - Động lực tăng trưởng kinh tế 2019 dựa trên những nền tảng nào?
Sau 2 tháng "quan sát" diễn biến kinh tế-xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hạ dự báo tăng trưởng GDP quý 1/2019 sẽ đạt thấp hơn so với dự báo cách đây 3 tháng...
Mặc dù tăng trưởng kinh tế quý 1/2019 dự báo giảm tốc song Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn lạc quan với mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% đạt được cả năm 2019.
|
Sau 2 tháng "quan sát" diễn biến kinh tế-xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hạ dự báo tăng trưởng GDP quý 1/2019 xuống thấp hơn so với dự báo cách đây 3 tháng.
6,58% là con số dự báo tăng trưởng GDP quý 1/2019 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và kinh tế-xã hội 2 tháng đầu năm 2019. Đối chiếu với kịch bản tăng trưởng lần 1 được chính cơ quan này xây dựng vào cuối tháng 11/2018, tốc độ tăng trưởng quý 1/2019 lần này thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng của kịch bản theo phương án thấp (6,76%) được đưa ra trước đó.
Điều này cho thấy cơ quan tham mưu của Chính phủ trong việc xây dựng các kịch bản tăng trưởng đã hạ bớt sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng khi nền kinh tế đang có dấu hiệu giảm tốc. Một số "chỉ báo" về sức khoẻ của nền kinh tế không tăng trưởng như kỳ vọng. Chẳng hạn chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 2 tháng đầụ năm tăng 9,2%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 13,7%. Số doanh nghiệp được thành lập mới cũng giảm 14,6%...
Mặc dù tăng trưởng kinh tế quý 1/2019 dự báo giảm tốc song Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn lạc quan với mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% đạt được cả năm 2019 khi ở cả hai kịch bản tăng trưởng thấp và cao, tốc độ tăng trưởng GDP các quý sau đều cao hơn quý 1/2019 (ngoại trừ quý 4/2019). Nhưng quý sau cao quý trước cũng đồng nghĩa với việc tăng trưởng từ sau quý 1/2019 trở nên áp lực hơn trước kia.
Vì thế, cùng với việc xem xét cẩn trọng hơn những động lực quyết định tới tăng trưởng kinh tế 2019 để tạo ra "lực đẩy" giúp nền kinh tế tăng tốc và bứt phá, câu hỏi những động lực của năm 2018 sẽ tiếp tục "quán tính" sang năm 2019 và tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt như thế nào, hay sẽ xuất hiện những động lực mới đã được đặt ra.
Khi nhìn nhận về động lực tăng trưởng trong năm 2019, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê, nhấn mạnh tới sự dịch chuyển động lực tăng trưởng tới khu vực miền Trung khi nơi này được bổ sung nhiều năng lực sản xuất mới. "Miền Trung với nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, luyện cốc gang thép Formosa sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế của năm 2019", ông Hùng nói.
Ngoài ra, đó còn là động lực đến từ việc hoàn thành thêm 2,9 triệu m2 sàn xây dựng, nhà ở chung cư, nhà máy sản xuất hóa chất Đạm Cà Mau và việc có thêm nhiều năng lực mới sẽ được hoàn thành, đi vào sản xuất năm 2019.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng dù có thêm những động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Việt Nam vẫn phải dựa trên những yếu tố nền tảng.
"Bên cạnh sản xuất công nghiệp, chế biến, chế tạo, thì động lực tăng trưởng tới đây vẫn phải trông vào tiêu dùng của dân cư và xã hội, vào những động lực được tạo ra từ một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, các hiệp định FTA đã được ký kết nhằm góp phần thu hút nguồn lực xã hội vào tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế", ông Lâm nói.
Đặc biệt, ông Lâm nhấn mạnh tới việc đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới khi Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội để xuất khẩu nhóm hàng có thế mạnh của Việt Nam như da giày, dệt may, sản phẩm thuỷ sản trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn ra gay gắt.
"Trong năm 2019, các tổ chức quốc tế đưa ra dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu suy giảm. Đây sẽ là một thách thức đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhất là khi độ mở của nền kinh tế lến tới 200% GDP. Dù vậy, với chính sách Việt Nam trong những năm qua và các động lực từ FTA, tìm kiếm thị trường mới sẽ là một trong những giải pháp khắc phục cho kinh tế năm 2019", ông Lâm khẳng định.
Trong khi đó, khi nhìn về động lực tăng trưởng của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng động lực của nền kinh tế cần phải đến từ quá trình cải cách thể chế và hướng tới người dân và doanh nghiệp. Bởi theo Bộ trưởng Dũng, "mục tiêu tối thượng của cải cách phải vì người dân và doanh nghiệp". Theo hướng đó, quản trị nhà nước phải được cải thiện tốt hơn, minh bạch hơn, bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, không còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh" hay "trên trải thảm, dưới trải đinh".
"Đặc biệt, trong bối cảnh CMCN 4.0, quản trị nhà nước phải gắn với sự dịch chuyển số để tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, rõ ràng, thúc đẩy mọi thành phần kinh tế cùng phát triển", ông Dũng khẳng định.
ĐẶNG HƯƠNG