Vietstock - Để không gây rối loạn thị trường, các NHTW đang âm thầm thắt chặt chính sách?
Các nhà lãnh đạo Ngân hàng Trung ương (NHTW) đang cố gắng thắt chặt chính sách tiền tệ một cách âm thầm để không tác động đến đà tăng trên thị trường.
Khơi mào là các đợt nâng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), các nhà lãnh đạo NHTW trên khắp thế giới dường như đang chuyển sang lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ trong tuần này. Dẫu vậy, các động thái thắt chặt đều đã được truyền tải quá rõ ràng hoặc với quy mô quá nhỏ, và các nhận định về động thái tương lai cũng được phòng ngừa quá kỹ càng. Do đó, chúng hầu như chẳng tạo ra cơn sóng nào trên thị trường tài chính cả.
* Fed nâng lãi suất lần 3 trong năm 2017
* Sau Fed, NHTW Trung Quốc bất ngờ nâng lãi suất
“Họ rất sợ việc gây rối loạn thị trường. Vì thế họ đều cố gắng thoát khỏi ‘chế độ’ khẩn cấp (chế độ từ hồi khủng hoảng năm 2008) của chính sách tiền tệ một cách chậm rãi’”, Paul Mortimer-Lee, Chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường tại BNP Paribas, cho hay.
Kết quả có thể xảy ra của biện pháp nhàn nhã này là: Sự tăng trưởng đồng bộ trên toàn cầu trong năm 2018. Thật vậy, cả Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều nâng dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực mình trong năm tới, ngay cả khi báo hiệu rằng họ sẽ từ từ giảm bớt quy mô của gói kích thích kinh tế.
“Nền kinh tế toàn cầu vẫn hoạt động tốt. Chúng ta đang trong quá trình tăng trưởng đồng bộ với nhau. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm chúng ta chứng kiến hiện tượng này”, Chủ tịch Fed, Janet Yellen, cho biết sau khi NHTW Mỹ nâng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay.
Bất ngờ từ PBoC
Mặc dù động thái nâng lãi suất của Fed đã được thị trường dự báo từ trước, nhưng việc PBoC nâng lãi suất lại là một bất ngờ đối với thị trường. Dẫu vậy, PBoC chỉ điều chỉnh 0.05% (quá nhỏ) nên thị trường cũng không bị tác động nhiều.
Raymond Yeung, Chuyên gia kinh tế trưởng Trung Quốc tại Australia & New Zealand Banking Group, cho hay: “PBoC không muốn gây rối thị trường bằng một đợt nâng lãi suất mạnh. Điều này cho thấy thiên hướng thắt chặt của các nhà làm chính sách và lập trường này sẽ còn tiếp tục trong năm 2018”.
Sun Guofeng, Giám đốc tại viện nghiên cứu tài chính của PBoC, cho biết rằng các thị trường mới nổi cũng sẽ bắt đầu quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ và thoát khỏi các biện pháp kích thích kinh tế – vốn đã được tạo ra để vực dậy nền kinh tế trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Cụ thể, trong ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Mexico nâng lãi suất chuẩn lần đầu tiên kể từ tháng 6/2017, nâng lãi suất thêm 0.25% lên 7.25%. Đáng chú ý hơn, trong cuộc bỏ phiếu có một thành viên ủng hộ nâng tới 0.5%.
Bên cạnh đó, NHTW Thổ Nhĩ Kỳ nâng một trong những lãi suất quan trọng của mình với mức nhỏ hơn dự báo, và cam kết sẽ giữ chính sách chặt chẽ cho đến khi triển vọng lạm phát cải thiện. Động thái trên đã khiến đồng Lira trượt dốc.
Mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang trên đà tăng trưởng, nhưng các NHTW lớn vẫn muốn từ từ giảm bớt quy mô của các gói kích thích kinh tế vì lạm phát gần như không nhúc nhích và dưới mức mục tiêu của họ.
Mặc dù Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết trong ngày thứ Năm rằng ông ngày càng tự tin lạm phát rồi cũng sẽ về mức mục tiêu của NHTW, nhưng các thành viên thuộc ECB dự báo điều này sẽ không xảy ra cho đến năm 2020. Được biết, mục tiêu lạm phát của ECB là gần 2%.
Trong ngày thứ Năm, Cơ quan tiền tệ của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên tiếng xác nhận lại kế hoạch giảm một nửa quy mô chương trình mua tài sản xuống 30 tỷ Euro/tháng (tương ứng 35 tỷ USD) kể từ tháng 1/2018, và tiếp tục thực hiện ít nhất là đến tháng 9/2018.
Các NHTW cũng tỏ ra cảnh giác với việc bị tụt lại quá xa so với các NHTW khác về quá trình thắt chặt chính sách, vì họ sợ rằng điều này sẽ thúc đẩy đồng tiền của họ tăng mạnh – qua đó tác động tiêu cực đến cả tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
Rủi ro tiền tệ
NHTW Na Uy đã cảm thấy rủi ro tiền tệ trong ngày thứ Năm, khi đồng Krone leo dốc hơn 1% so với đồng Euro sau khi các nhà làm chính sách báo hiệu họ có thể nâng lãi suất sớm hơn dự báo trong quá khứ.
Lo lắng về các tác động tiềm tàng đến thị trường ngoại hối, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB), Thomas Jordan, cho biết trong ngày 14/12 rằng SNB không hề gấp rút bình thường hóa chính sách ngay cả khi các dự báo cho thấy lạm phát sẽ chạm mức mục tiêu 2% trong năm 2020.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng tỏ ra không hối hả trong việc thắt chặt chính sách, sau quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong 1 thập kỷ hồi tháng 11/2017. Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) đã giữ nguyên lãi suất trong ngày 14/12, đồng thời nhấn mạnh rằng có lẽ cần tăng nhẹ lãi suất trong vài năm tới nếu nền kinh tế hoạt động đúng như dự báo.
Được biết, trong nhiều năm qua, các NHTW đã duy trì chính sách lãi suất thấp, qua đó thúc đẩy giá tài sản tăng nhanh chóng. Thị trường chứng khoán trên khắp thế giới cũng liên tiếp lập kỷ lục, qua đó khiến các NHTW lo ngại bong bóng tài sản đang được hình thành.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)