Vietstock - Cổ phiếu ngành ngân hàng đang gặp ‘thiên thời – địa lợi’?
Tại buổi hội thảo “Ngân hàng: Cơ hội có còn năm 2018?” do CTCK Rồng Việt (VDS) tổ chức ngày 11/05, các chuyên gia cho rằng ngành ngân hàng đang gặp nhiều thuận lợi. Thị trường có nguy cơ thủng đáy 1,000 điểm?
Mở đầu buổi hội thảo, chuyên gia Hoàng Thạch Lân – Trưởng phòng phân tích khối khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Rồng Việt nhận định tình hình thị trường chứng khoán trong tháng 5 với nhiều cơ hội và rủi ro.
Theo đó, VN-Index đã giảm gần 15% kể từ đỉnh 1,204.3 điểm thiết lập ngày 09/04/2018. Sau khi hồi phục trong phiên ngày 07/05, chỉ số lại quay đầu giảm 3 phiên sau đó. Ngân hàng và dầu khí là những nhóm ngành giảm mạnh hơn chỉ số VN-Index trong 1 tháng vừa qua.
Ông Lân cho rằng thanh khoản giảm trong tháng 5 và khối ngoại bán ròng đã ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường, dù chưa rõ họ có rút vốn hay không.
Song, dựa vào kết quả sản xuất kinh doanh trong quý 1/2018 của các doanh nghiệp, tiến độ thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước (qua IPO) và doanh nghiệp trên sàn, cộng thêm việc giá dầu tăng và tình hình khối ngoại mua ròng, ông Lân kỳ vọng vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới sẽ tích cực hơn.
Ngoài ra, có hai yếu tố nữa sẽ tác động tích cực lên thị trường là kỳ vọng MSCI đưa vào danh sách chờ “nâng hạng” lên nhóm “mới nổi” trong tháng 5 và việc Nhà nước đẩy mạnh đầu tư công.
Mặc dù vậy, với việc margin cao bị điều chỉnh thường xuyên, đi kèm với việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) quy định giảm tỷ lệ ký quỹ, ông Lân dự báo sẽ có những rủi ro cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Hơn nữa, chỉ số P/E của nhóm cổ phiếu “tỷ USD” đang ở mức cao, bình quân gần 35 lần, đang được điều chỉnh và đổi trụ. Cộng với thị trường chứng khoán thế giới suy giảm sẽ làm dòng vốn FII rút ra, từ đó làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam giảm và việc này còn phụ thuộc vào việc Fed có tăng lãi suất trong tháng 6 hay không.
“VN-Index có thể đang đi vào giai đoạn kết thúc đợt giảm điểm khởi nguồn từ ngày 10/04, cho dù vẫn còn rủi ro giảm về dưới 1,000 điểm. Việc cổ phiếu giảm mạnh là cơ hội cho những nhà đầu tư có tiền mặt tuy nhiên cần lựa chọn đúng nhóm ngành/cổ phiếu, dựa trên các yếu tố tăng trưởng và định giá”, ông Lân chia sẻ thêm.
Hội thảo ngành Ngân hàng do CTCP Chứng khoán Rồng Việt tổ chức ngày 11/05/2018
|
Hoạt động kinh doanh quý 1/2018 của ngành ngân hàng gặp ‘thiên thời – địa lợi”
Bà Nguyễn Thị Phương Lam – Chuyên viên phân tích ngành Ngân hàng của CTCP Chứng khoán Rồng Việt cho biết, ngành ngân hàng đã làm ảnh hưởng đến tính chu kỳ của nền kinh tế, khi nền kinh tế khởi sắc thì kết quả kinh doanh của ngân hàng cũng khởi sắc. Vị thế của cổ phiếu ngành ngân hàng trong rổ VN-Index chiếm 25% tỷ trọng vốn hóa thị trường, cho thấy biến động của ngân hàng khá mạnh.
Trong quý 1/2018, tổng thu nhập của ngành tăng trưởng khoảng 35%, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng khoảng 52%, đây là mức tăng trưởng ấn tượng của ngành trong rất nhiều năm qua, nhất là sau giai đoạn tái cấu 5 năm lần một 2012-2016. Hầu hết các ngân hàng đều có mức tăng trưởng đột biến so với năm 2017, tuy nhiên, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch kinh doanh chỉ dao động từ 23 – 28%, cho thấy sự khởi sắc này không nằm ngoài dự liệu của các ngân hàng, trừ một số ngân hàng như EIB, MBB, VCB, LPB, chủ yếu liên quan đến hoạt động thoái vốn của các ngân hàng.
Việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh quý 1/2018 đều trên 25% kế hoạch, cho thấy hầu hết các ngân hàng đều có khả năng vượt kế hoạch kinh doanh trong năm nay.
Thu nhập lãi là nguồn thu nhập chính trong cơ cấu thu nhập của ngân hàng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng và tỷ trọng đóng góp có sự phân hóa, như EIB, KLB, LPB, tăng trưởng thu nhập lãi giảm nhẹ. Các ngân hàng quốc doanh hay các ngân hàng ‘top đầu” nhóm NHTMCP như ACB, BIDV, VCB, đều có tăng trưởng thu nhập lãi khả quan, hầu hết đều xoay quanh mức bình quân khoảng 80%.
Bà Lam cũng cho biết thêm hầu hết tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng đều “nở ra” trong năm 2017, và xu hướng này có khả năng tiếp diễn trong năm 2018. Vì các ngân hàng đang cơ cấu lại danh mục cho vay hướng đến khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, đây là nhóm khách hàng có lãi suất vay tốt hơn và điều này giúp cho NIM của ngân hàng nở ra. Trong cơ cấu vay khách hàng cá nhân, chiếm tỷ trọng tương đối lớn tập trung vào cho vay mua nhà, mua xe, khi nhìn theo chu kỳ bất động sản thì cuối năm 2017, đầu năm 2018 thì các khoản vay chuyển sang chế độ lãi suất bình thường. Do vậy, theo đánh giá của Rồng Việt, NIM của ngân hàng cũng sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2018, và sẽ ảnh hưởng tích cực đến thu nhập lãi của ngân hàng.
Hoạt động kinh doanh quý 1/2018 của ngành Ngân hàng gặp ‘thiên thời – địa lợi” là nhờ yếu tố gắn với chu kỳ của ngành kinh tế cộng với sự hậu thuẫn lớn từ chính sách của NHNN. Từ khi Thông tư 36 có hiệu lực, NHNN nới lỏng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dẫn đến thu nhập lãi cũng như kết quả kinh doanh của ngân hàng bắt đầu khởi sắc.
Sau đó, Thông tư 19 sửa đổi Thông tư 36 ra đời, theo đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ được điều chỉnh về mức 45% trong năm 2018 và 40% từ năm 2019. Điều này đã làm dư nợ cho vay trung dài hạn giảm và các ngân hàng tập trung cho vay ngắn hạn nhiều hơn.
Việc tăng phí dịch vụ gần đây ở một số ngân hàng là do các ngân hàng đã miễn phí ở giai đoạn trước. Bắt đầu từ năm 2013, các ngân hàng đã có thể tăng lên mức tối đa khoảng 3,000 đồng/giao dịch. Nhưng một số ngân hàng chỉ khoảng 30% mức trần, đến năm 2018 sẽ tăng lên 50%, do đó dư địa còn khoảng 1,500 đồng/giao dịch mà các ngân hàng có thể tăng trong các năm tiếp theo.
Năm 2017 là năm thứ 2 mà NHNN thực hiện tái cơ cấu giai đoạn hai, việc đẩy mạnh thu hồi nợ được thực hiện, do đó nợ xấu ngành Ngân hàng được kiểm soát và đến cuối năm 2017 đã về mức 2.46%. Đặc biệt, tỷ lệ thu hồi nợ bán qua VAMC khoảng hơn 23%.
Ngành ngân hàng đang nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN
Về kế hoạch kinh doanh, hầu hết các ngân hàng đều có khả năng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao từ 50 – 100%, do quý 1 đã hoàn thành trên 25% kế hoạch. Cơ sở để các ngân hàng có thể đạt được là do thu nhập lãi tăng do việc cải thiện NIM, thứ hai là chi phí dự phòng rủi ro giảm và khả năng hoàn nhập dự phòng cao, thứ ba là thu nhập ngoài lãi tăng đến từ họat động dịch vụ, chứng khoán kinh doanh.
Tiến độ thu hồi nợ xấu của ngành ngân hàng được kỳ vọng với sự ra đời của Nghị quyết 42, nhất là sau khi VAMC quyết định mua nợ theo giá thị trường. Năm 2018, VAMC đặt kế hoạch mua 3,500 tỷ đồng nợ. Tiến độ thu hồi nợ này sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư đối với cổ phiếu có nợ xấu, đặc biệt là các ngân hàng có trái phiếu đặc biệt cao, việc theo dõi tiến độ thu hồi nợ sẽ là đánh giá đối với triển vọng của các ngân hàng có nợ xấu cao.
Việc áp dụng Basel II có thể khiến tăng trưởng của ngành phân hóa. Trong đó, Rồng Việt đánh giá cao ngân hàng có tăng trưởng cao và bền vững như nhóm NHTMCP có thu nhập đóng góp chủ yếu từ thu nhập lãi và dịch vụ. Một số ngân hàng quốc doanh có thể sẽ tăng trưởng chậm hơn do giới hạn về khả năng tăng vốn, khả năng duy trì đà tăng trưởng ổn định như ACB, VCB.
Tỷ trọng dư nợ bán lẻ liên tục tăng là rủi ro mà ngành ngân hàng sẽ gặp phải trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngành Ngân hàng đang nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN, bà Lam chia sẻ thêm.
Hàn Đông