Vietstock - Những thương vụ 'ma quỷ' trên Sân vận động Chi Lăng
Từ chỗ gắn với niềm tự hào bóng đá của người dân Đà Nẵng, Sân vân động Chi Lăng trở thành "miếng mồi thơm" để các đại gia xâu xé và đến nay là tang vật trong những vụ đại án mà số phận chưa có hồi kết?
Sân vận động Chi Lăng sau khi được UBND TP.Đà Nẵng giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh đã trở nên hoang tàn, nhếch nhác
Ảnh: Đào Anh
|
Trung tuần tháng 4.2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cùng nhiều cán bộ thuộc UBND TP.Đà Nẵng và các sở, ngành do có sai phạm trong quản lý đất đai, tài sản nhà nước.
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, sai phạm của ông Trần Văn Minh và hàng loạt cán bộ cấp dưới không chỉ liên quan đến nhiều khối đất đai, tài sản nhà nước đã bán cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) mà còn liên quan trực tiếp đến đại án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, thông qua thương vụ bán Sân vận động Chi Lăng.
Giao “đất vàng” thần tốc
Tháng 7.2010, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh có văn bản gửi HĐND và UBND TP.Đà Nẵng xin chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng theo quy hoạch của TP tại khu vực Sân vận động Chi Lăng (Q.Hải Châu). Ngày 6.9.2010, ông Trần Văn Minh, lúc đó là Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, ký Quyết định 6638 phê duyệt sơ đồ ranh giới sử dụng đất khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại khu vực Sân vận động Chi Lăng. Theo đó, trên khu đất có diện tích khoảng 6 ha (60.045 m2), có 4 mặt tiền các đường: Ngô Gia Tự, Triệu Nữ Vương, Hùng Vương và Lê Duẩn, sẽ xây một khu trung tâm thương mại, cao ốc làm văn phòng, căn hộ và khách sạn cao cấp... chiều cao đến 60 tầng. 2 ngày sau đó, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Văn Hữu Chiến ký quyết định thu hồi đất, giao đất cho Công ty quản lý và khai thác đất Đà Nẵng quản lý để thực hiện chủ trương của TP.
Đến ngày 17.9.2010, ông Trần Văn Minh ký Quyết định 7104, quy định giá đất để kêu gọi đầu tư vào dự án nêu trên. Theo đó, sau khi trừ diện tích làm đường giao thông, vỉa hè, lô đất Sân vận động Chi Lăng có diện tích 55.061 m2 được quy định giá đất (đơn giá đất ở), thời hạn sử dụng đất lâu dài là 25,3 triệu đồng/m2.
Ngày 7.10.2010, Công ty quản lý và khai thác đất Đà Nẵng có báo cáo do không có đơn vị khác tham gia đầu tư dự án nên đến ngày 12.10.2010, ông Trần Văn Minh đã ký Văn bản 6381 thông báo UBND TP.Đà Nẵng đồng ý chủ trương cho phép Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh được đầu tư vào dự án theo đơn giá chuyển quyền sử dụng đất. Khoảng 2 tuần sau, ngày 29.10.2010, Công ty quản lý và khai thác đất Đà Nẵng và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh ký hợp đồng giao đất có thu tiền sử dụng đất với tổng giá trị hơn 1.393 tỉ đồng.
Cùng với việc được giao đất không phải thông qua cạnh tranh, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh còn được UBND TP.Đà Nẵng cho hưởng hàng loạt “cơ chế đặc biệt”. Cụ thể, ngày 6.1.2011, ông Đào Tấn Bằng, Phó chánh văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, có Văn bản số 32 gửi Công ty quản lý và khai thác đất Đà Nẵng thông báo chủ trương của TP đồng ý giảm 10% tiền sử dụng đất cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh trên tổng số tiền phải nộp, do nộp tiền một lần. Trên thực tế, Phạm Công Danh chỉ phải bỏ ra khoản tiền 1.253,7 tỉ đồng để lấy toàn bộ Sân vận động Chi Lăng, “lãi ròng” 140 tỉ đồng so với giá niêm yết. Cùng với đó, UBND TP.Đà Nẵng đồng ý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh trong vòng 10 ngày kể từ ngày nộp đủ tiền sử dụng đất vào ngân sách đối với diện tích 45.861 m2. Đối với phần diện tích phía bắc và nam khu đất (9.200 m2), UBND TP sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh trong vòng 6 tháng, kể từ ngày nộp đủ tiền sử dụng đất.
Cùng với việc bán Sân vận động Chi Lăng, UBND TP.Đà Nẵng cũng đã giao một số đơn vị chức năng lập phương án quy hoạch và phương án thiết kế kiến trúc sân vận động tại khu vực nam P.Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ để thay thế.
“Xẻ thịt” để cầm cố ngân hàng
Theo hồ sơ PV Thanh Niên thu thập cho thấy, lô đất Sân vận động Chi Lăng từ một dự án được quy hoạch tổng thể là khu phức hợp thương mại dịch vụ với tổng diện tích gần 6 ha, nhưng dựa trên các đề xuất của Phạm Công Danh cùng sự tham mưu của Phòng Quản lý đô thị và Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, ông Trần Văn Minh đã bỏ qua vai trò của các cơ quan chuyên môn để ký các văn bản 704 ngày 21.1.2011, 542 ngày 27.1.2011, đồng ý “tách thửa” Sân vận động Chi Lăng thành 14 lô đất và cấp trước 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty con của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. Chưa hết, trong việc cấp 10 sổ đỏ nêu trên, Đà Nẵng còn hào phóng miễn lệ phí trước bạ với khoản tiền 4,5 tỉ đồng.
Ngay khi có được 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Phạm Công Danh lập tức mang thế chấp ngân hàng để vay trên 4.219 tỉ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân, đến nay không có khả năng thanh toán.
Đề cập đến việc giao đất cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, UBND TP.Đà Nẵng đã có các sai phạm cụ thể như sau: giao đất khi chưa có dự án được phê duyệt; không thực hiện đấu giá đất, đấu thầu dự án; mặc dù giao đất là để Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh đầu tư làm dự án nhưng lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà gắn liền với tài sản trên đất và ghi mục đích sử dụng là đầu tư dự án khu phức hợp cao tầng (theo đơn giá đất ở) với mục đích sử dụng “lâu dài”, là trái với các quy định của luật Đất đai. Đồng thời, miễn giảm 10% tiền sử dụng đất và không thu lệ phí trước bạ thiếu căn cứ gây thất thoát cho nhà nước hàng trăm tỉ đồng...
Thái Sơn