Vietstock - Chứng khoán châu Á bật tăng, Hang Seng leo dốc gần 600 điểm
Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng mạnh vào giữa phiên sáng ngày thứ Tư (09/01) khi nhà đầu tư vẫn còn lạc quan một cách thận trọng về khả năng Bắc Kinh và Washington có thể tiến tới một thỏa thuận thương mại.
Tính tới lúc 10h45 ngày thứ Tư (09/01 – giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 251.70 điểm (tương ứng 1.25%), còn Topix tiến 1.1%, trong đó phần lớn lĩnh vực đều khởi sắc.
Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi cộng 36.43 điểm (tương ứng 1.8%), khi cổ phiếu của ông lớn công nghệ Samsung Electronics vọt 1.84% và công ty sản xuất thép Posco bứt phá hơn 3%.
Chỉ số ASX 200 của Australia tiến 50.50 điểm (tương ứng 0.88%), trong đó tất cả lĩnh vực đều “khoác” sắc xanh. Chỉ số năng lượng cộng 2% nhờ đà tăng mạnh của giá dầu trong đêm qua. Cổ phiếu dầu khí bật tăng: Cổ phiếu Santos tiến 2.53%, Woodside Petroleum cộng 2.38% và Beach Energy vọt 3.79%.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 10h45 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Đàm phán thương mại được nối dài
Trên thị trường Trung Quốc đại lục – vốn được đông đảo nhà đầu tư bám sát vì cuộc chiến thương mại với Mỹ – cũng khởi sắc vào đầu phiên. Chỉ số Shanghai Composite tăng 39.32 điểm (tương ứng 1.56%), còn Shenzhen Composite tiến 0.198%. Shenzhen Component cộng 0.32%.
Tăng mạnh nhất trong phiên ngày hôm nay là chỉ số Hang Seng của Hồng Kông với mức leo dốc 589.45 điểm (tương ứng 2.28%).
Nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao diễn biến về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên được nới dài sang ngày thứ 3, trong khi trước đó chỉ dự kiến họp 2 ngày, theo Reuters.
“Tôi xác nhận là chúng tôi sẽ tiếp tục vào ngày mai (09/01)”, Steven Winberg, Trợ lý thư ký cho Fossil Energy tại Bộ Năng lượng Mỹ, cho hay.
Một chuyên viên phân tích cho biết thị trường vẫn giữ niềm hy vọng về các cuộc đàm phán thương mại nới dài.
“Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc”, Vishnu Varathan, Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại Mizuho Bank, viết trong báo cáo buổi sáng.
“Đầu tiên, một tuyên bố chung sau khi vòng đàm phán này kết thúc có lẽ sẽ là một thước đo có ý nghĩa về những gì hai bên đã nhất trí sơ bộ”, Varathan cho hay. “Thứ hai, ngay cả khi cả hai tạo ra một thỏa thuận thì cũng chưa chắc những ‘chú diều hâu’ thương mại nghiêm khắc hơn trong chính quyền Mỹ và ông Trump sẽ ký vào thỏa thuận này. Và chúng ta đã chứng kiến điều này trước đây”.
“Cuối cùng, vẫn còn có cảm giác cho rằng thỏa thuận sơ bộ ở đây có thể chưa phải là một ‘thỏa thuận toàn diện’ mà ông Trump đã đề cập tới tại hội nghị thượng đỉnh G20”, ông nói thêm.
Vũ Hạo (Theo CNBC)