Vietstock - Cổ phiếu công nghệ đỏ lửa, Nasdaq Composite rơi vào giai đoạn điều chỉnh
Chứng khoán Mỹ suy yếu vào ngày thứ Hai (03/06), trong đó nhóm cổ phiếu công nghệ giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6, trong bối cảnh các báo cáo cho biết Chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch nhắm mục tiêu vào một loạt các công ty lớn trong ngành với các cuộc điều tra hoạt động kinh doanh và chống độc quyền. Cổ phiếu Alphabet, Amazon, Facebook (NASDAQ:FB) và Apple (NASDAQ:AAPL) đều gây sức ép lên thị trường trong suốt phiên ngày thứ Hai, CNBC đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Nasdaq Composite giảm 1.6% và bước vào giai đoạn điều chỉnh, sụt hơn 10% so với mức cao kỷ lục đã thiết lập vào cuối tháng 4 là 7,333.02 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 0.3% xuống 2,744.45 điểm, còn chỉ số Dow Jones khép phiên ngay trên mức hòa vốn là 24,819.78 điểm.
Cổ phiếu Alphabet sụt 6.1% sau khi báo cáo cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đang chuẩn bị triển khai một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google (NASDAQ:GOOGL). Trong khi đó, cổ phiếu Facebook rớt 7.5% sau khi Wall Street Journal đưa tin Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) có thể sẽ xem xét các hoạt động kinh doanh của Facebook và cách chúng tác động đến cạnh tranh kỹ thuật số.
Cổ phiếu Amazon mất 4.6% sau khi Washington Post cho biết một thỏa thuận giữa FTC và Bộ Tư pháp Mỹ đã đặt gã khổng lồ thương mại điện tử dưới tầm quan sát của FTC. Cổ phiếu Apple cũng rớt 1% sau khi Reuters đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ nhận quyền hạn điều tra các hoạt động của công ty.
Dịch vụ truyền thông, hàng tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ là những lĩnh vực có thành quả tồi tệ nhất thuộc S&P 500 vào ngày thứ Hai. Lĩnh vực dịch vụ truyền thông sụt hơn 2.5%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 10/2018, còn lĩnh vực hàng tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ đều mất hơn 1%.
Bên cạnh đó, nỗi lo về thương mại vẫn đang gây sức ép lên thị trường.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, Wang Shouwen, cho biết hôm Chủ nhật (02/06) rằng Washington sẽ không thể sử dụng áp lực để buộc Bắc Kinh tiến tới một thỏa thuận thương mại. Ông Wang cũng từ chối cho biết liệu các nhà lãnh đạo của 2 nước sẽ có cuộc gặp tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 để đưa ra một thỏa thuận vào cuối tháng này hay không.
Ông Wang nói thêm: “Mỹ đã thay đổi quan điểm, và khi chúng tôi nhường Mỹ một bước, họ lại càng lấn tới”
Nhận định của ông Wang được đưa ra sau một tháng leo thang căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ đã nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào tháng 5/2019. Trung Quốc cũng đáp trả bằng cách tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ.
“Vấn đề với Trung Quốc tiếp tục là tâm điểm rủi ro đối với thị trường”, Randy Frederick, Phó Chủ tịch giao dịch phái sinh ở Charles Schwab, nhận định. “Nếu cả 2 bên, Mỹ và Trung Quốc, phá vỡ các cuộc đàm phán, chúng ta có thể thấy sự điều chỉnh 10%. Hiện chúng ta đã đi hơn nửa chặng đường và các cuộc đàm phán vẫn chưa bị phá vỡ”.
“Không có nhiều điều ngoài kia để thúc đẩy thị trường, vì thế vấn đề này tiếp tục là điểm then chốt”, ông Frederick chia sẻ.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017. Giá vàng tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 3/2019, vượt ngưỡng 1,320 USD/oz.
Nỗi lo về thương mại cũng làm chao đảo Phố Wall trong tuần trước sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế 5% đối với tất cả hàng hóa Mexico. Lời đe dọa này đã khiến chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ vào ngày thứ Sáu tuần trước (31/05).
Ngoài ra, dữ liệu từ Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết hoạt động sản xuất tại Mỹ giảm trong tháng trước với tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 10/2016, thấp hơn so với dự báo khiến các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Refinitiv thất vọng.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực St. Louis, James Bullard, cho biết trong ngày thứ Hai rằng cắt giảm lãi suất “có thể sớm được đảm bảo” do nguy cơ căng thẳng thương mại leo thang.
An Trần