Vietstock - UK Finance: Tiền mặt không còn giữ vị thế ngôi vua tại nước Anh
Hiệp hội thương mại UK Finance ngày 18/6 công bố một báo cáo nghiên cứu mới cho thấy tiền mặt không còn giữ vị thế là "ngôi vua” ở Vương quốc Anh do các thay đổi nhanh chóng về công nghệ và hành vi của người tiêu dùng.
(Nguồn: Getty)
|
UK Finance - tổ chức đại diện cho 300 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và dịch vụ liên quan đến thanh toán - cho biết hoạt động thanh toán thông qua thẻ ghi nợ đã lần đầu tiên “soán ngôi” tiền mặt trong năm ngoái, giữa bối cảnh ngày càng nhiều người Anh thực hiện các giao dịch từ xa, mua sắm trực tuyến và thanh toán qua điện thoại thông minh. Từ đó có thể thấy các thói quen của người tiêu dùng thay đổi, việc tiếp cận với thanh toán bằng thẻ và công nghệ mới gia tăng đem đến cho người tiêu dùng thêm nhiều lựa chọn.
Số liệu của UK Finance cho thấy người tiêu dùng trong năm 2017 đã thực hiện tổng cộng 13,2 tỷ giao dịch qua thẻ ghi nợ, cao hơn mức 13,1 tỷ giao dịch bằng tiền mặt trong năm ngoái.
Theo nghiên cứu mới nhất của UK Finance, gần 2/3 người Anh hiện thực hiện giao dịch từ xa. Tổng số giao dịch từ xa đã tăng gấp đôi trong một năm lên 5,6 tỷ giao dịch tính trên cả thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, giữa bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp chấp nhận phương thức giao dịch không yêu cầu số định danh cá nhân (PIN). Cùng thời gian trên, tổng số giao dịch thanh toán bằng tiền mặt giảm 15% trong năm 2017.
Hiện khoảng 3,4 triệu người Anh gần như không còn sử dụng tiền mặt, thay vào đó họ sử dụng thẻ và các hình thức thanh toán khác. Khoảng 2,2 triệu người dùng tiền mặt chủ yếu để đi mua sắm hằng ngày trong năm 2017.
Tuy vậy, người đứng đầu UK Finance Stephen Jones nói rằng nước Anh chưa trở thành một xã hội phi tiền mặt và bất chấp việc Vương quốc Anh chuyển đổi sang một nền kinh tế với tiền mặt không còn giữ vai trò quan trọng hơn trước, đây vẫn sẽ là một phương thức thanh toán tiếp tục có giá trị và được nhiều người ưa chuộng.
Theo UK Finance, tiền mặt vẫn được dự đoán là phương thức được dùng thường xuyên thứ hai trong thập niên tới./.
K.DUNG