Vietstock - Cuộc đua 'một ứng dụng có mọi thứ' ở Việt Nam
Sau thời gian cần mẫn phát triển người dùng, các ứng dụng từ gọi xe đến trò chuyện muốn thành 'siêu ứng dụng' có hết mọi thứ để tăng thu.
Vào cuối tháng 7, Grab còn khẳng định chỉ mới tập trung triển khai giao thức ăn ở TP HCM. Tuy nhiên, từ 5/9, tức chỉ sau hơn một tháng, công ty bắt đầu thử nghiệm dịch vụ này tại 4 quận trung tâm Hà Nội.
"GrabFood là bước phát triển quan trọng tiếp theo nhằm hướng đến mục tiêu trở thành siêu ứng dụng cho cuộc sống hàng ngày đầu tiên tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung", thông cáo của hãng viết.
Tham vọng trở thành một "siêu ứng dụng" được nhà đồng sáng lập kiêm CEO Grab - Anthony Tan công bố vào giữa tháng 7. Tại Singapore và Indonesia, giao diện siêu ứng dụng của Grab ngoài đặt xe, đặt giao hàng, gọi thức ăn, còn có giao tạp hóa, đọc tin tức, xem video, chơi game... Mô hình này được giới công nghệ gọi là "all-in-one app", hay ứng dụng đa năng, ứng dụng tất cả trong một.
Không tiết lộ cụ thể nhưng phía Grab Việt Nam cho biết, sau 3 tháng vận hành ở TP HCM, dịch vụ giao thức ăn là "nhân tố thúc đẩy doanh thu" cho các đối tác nhà hàng và tài xế.
"Tượng đài" WeChat
Ngoài trò chuyện, WeChat tại Trung Quốc còn có dịch vụ giao thức ăn, chuyển tiền, thanh toán, đặt lịch bác sỹ, đọc báo, chơi game, làm mới hộ chiếu, quyên từ thiện...
|
Siêu ứng dụng không phải là ý tưởng mới. Tiên phong và thành công hàng đầu trên thế giới chính là Tencent, với sản phẩm WeChat. Đây chính là "tượng đài" mà không ít startup dõi theo. Năm ngoái, doanh thu của Tencent đạt gần 35 tỷ USD, tăng 56% so với 2016.
WeChat được ra mắt năm 2011 với diện mạo đầu tiên là ứng dụng nhắn tin, nhưng hiện đã trở thành ứng dụng đa chức năng từ liên lạc đến mua hàng, di chuyển, thanh toán... Quý I/2018, ứng dụng có một tỷ người dùng thường xuyên hàng tháng. 900 triệu người dùng mở WeChat lên mỗi ngày.
"Người dùng có thể mua sắm, gọi xe, đặt một khách sạn ngay tại đó, trong lúc trò chuyện với bạn bè", Forbes miêu tả trong một bài viết và kêu gọi Facebook hãy sao chép. Trong khi đó, The Economist gọi WeChat là "một ứng dụng thống trị tất cả" và là ngôi nhà mặc định của người Trung Quốc trên smartphone.
Tại Đông Nam Á, Go-Jek là ứng dụng đa năng thành công nổi bật, cung ứng gần 20 dịch vụ khác nhau tại Indonesia. Hãng chia các dịch vụ của mình ra 3 mảng, gồm Go-Jek (di chuyển, giao nhận), Go-Life (dịch vụ đời sống) và Go-Pay (thanh toán).
Theo đó, không chỉ gọi xe, gọi thức ăn, đặt giao hàng, người Indonesia còn gọi nhờ đi chợ giúp, gọi lau dọn nhà, gọi thợ sửa xe, gọi nhân viên massage...cũng trên ứng dụng này.
"Chúng tôi đang thấy sức hút to lớn ở tất cả các mảng kinh doanh của mình từ online đến offline và đang gần đến việc có lợi nhuận, ngoài mảng giao thông", CEO Nadiem Makarim nói với Reuters tháng trước.
Cuộc đua bắt đầu
Grab không phải là cái tên duy nhất trên "sân" Việt Nam đang muốn thành siêu ứng dụng. Gần đây, Zalo tung ra bản thử nghiệm cho một nhóm người dùng với các dịch vụ mới như gọi taxi, gọi đồ ăn... Trước đó, ứng dụng nhắn tin này cũng đã có tích hợp thương mại điện tử và các tính năng tra cứu thời tiết, cửa hàng ăn uống, đặt lịch khám, thanh toán hóa đơn điện nước và các dịch vụ liên quan chính phủ điện tử.
Lợi thế của Zalo là lượng người dùng lớn, cán mốc hơn 100 triệu hồi tháng 3/2018. Con đường mà Zalo đi cũng có những tương đồng với WeChat. Trong khi đó, thế mạnh của Grab là hệ thống logistics hùng mạnh, với 135.000 đối tác tài xế tại Việt Nam.
Điểm chung để cả hai có thể tranh nhau vị trí siêu ứng dụng là đang dần trở thành ứng dụng mà nhiều người Việt Nam phải mở lên hàng ngày trên điện thoại. Việc còn lại là có bao nhiêu dịch vụ để níu chân người dùng, khiến họ không chuyển sang bật một ứng dụng khác.
Theo các chuyên gia công nghệ, việc "câu giờ" người dùng ở lại ứng dụng chính là hái ra tiền. Nhà phát triển không chỉ hưởng lợi từ các giao dịch, mà đằng sau đó, việc thu thập, phân tích và tận dụng dữ liệu người dùng đang mang lại một nguồn thu béo bở.
Không đâu xa, Grab cũng vừa tung GrabAds cuối tháng trước, một nền tảng quảng cáo trên xe của tài xế và trên cả ứng dụng. Bằng việc phân tích thói quen, sở thích qua dữ liệu thu thập được, quảng cáo được cá nhân hóa.
"Chúng tôi chào đón các thương hiệu và các đối tác truyền thông cùng hợp tác với chúng tôi để cá nhân hóa quảng cáo, nội dung và trải nghiệm theo hướng thú vị, hấp dẫn, gắn kết và đa dạng cho người dùng", ông Nasheet Islam - Giám đốc GrabAds nói.
Để làm siêu ứng dụng, các nhà phát triển cần một sản phẩm mà người dùng phải mở lên hàng ngày và lượng người dùng đủ lớn. Hiện, việc đi lên từ ứng dụng nhắn tin hay gọi xe là con đường khả thi nhất, như cách Zalo và Grab tham vọng. Những "tay chơi" mới tại Việt Nam, rất dễ đoán, cũng nhiều khả năng xuất phát từ hai mảng này.
"Người thứ ba" nhiều triển vọng nhất là Go-Viet. Chủ tịch Go-Jek Andre Soelistyo cho biết Go-Viet chiếm 10% thị phần gọi xe máy tại TP HCM chỉ sau 3 ngày vận hành. Đến nửa cuối tháng 8, CEO Nadiem Makarim nói với Reuters rằng thị phần của hãng đã được 15%.
Loạt dịch vụ của Go-Jek tại Indonesia, tính đến giữa tháng 7/2018.
|
Bắt đầu bằng dịch vụ gọi xe máy và giao hàng, Go-Viet có nhiều kinh nghiệm để thành siêu ứng dụng như công ty mẹ Go-Jek ở Indonesia.
"Với tầm nhìn trở thành nền tảng đa dịch vụ lớn nhất tại Việt Nam, chúng tôi sẽ từng bước phát triển hệ sinh thái, bắt đầu bằng dịch vụ kết nối vận tải và giao hàng, trước khi triển khai dịch vụ giao đồ ăn, đi chợ hộ, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác", ông Nguyễn Vũ Đức - CEO và Đồng sáng lập Go-Viet nói hồi cuối tháng 6.
Ở nhóm các ứng dụng nhắn tin, không có nhiều dấu hiệu khả thi khi Line là một ứng dụng đa năng thành công ở Thái Lan nhưng đã lặng lẽ cùng KakaoTalk rút khỏi Việt Nam vài năm trước.
Sau thời gian đóng cửa văn phòng, Viber đến giờ vẫn trung thành với chiến lược một ứng dụng nhắn tin. Trong thông cáo mới nhất gửi đến thị trường Việt Nam, Viber đề cập về cải tiến giúp trò chuyện nhanh gấp 2 lần trước kia và tính năng mã hóa bảo mật tin nhắn cho người dùng.
Viễn Thông