Vietstock - Xuất khẩu sắn mất mốc 1 tỷ USD
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn năm 2018 đạt 2,4 triệu tấn, với kim ngạch 958,4 triệu USD, giảm 3,8% về lượng và giảm 7,1% về giá trị so với năm 2017. Như vậy, sau nhiều năm sắn nằm trong câu lạc bộ tỷ đô, thì năm 2018 đã bị rời khỏi câu lạc bộ này.
Xét về cơ cấu sản phẩm sắn xuất khẩu năm 2018, tinh bột sắn chiếm 72,1%; sắn lát chỉ chiếm 28,9%. Trong khi năm 2017, tinh bột sắn chiếm 57,9% và sắn lát chiếm 42,1%. Xét về cơ cấu thị trường, Trung Quốc (Trung Quốc) vẫn tiếp tục là nước tiêu thụ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 88,1% về giá trị; tiếp theo là Hàn Quốc chiếm 2,7%, Malaysia chiếm 1,6%, Philippines chiếm 1,5%...
So với năm 2017, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong năm qua sang Trung Quốc giảm 38,3% về lượng và giảm 7,3% về giá trị; Hàn Quốc giảm 2,1% về lượng nhưng tăng 23% về giá trị; Malaysia giảm 9,7% về lượng và giảm 6,6% về giá trị; Philippines giảm 42,2% về lượng và giảm 15,4% về giá trị.
Với việc thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng 90% khối lượng xuất khẩu sắn lát của Việt Nam, sự sụt giảm kim ngạch sắn chủ yếu do ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường này. Thông thường những tháng cuối năm luôn là giai đoạn Trung Quốc tiêu thụ tinh bột sắn nhiều nhất nhằm phục vụ cho nhu cầu thực phẩm tăng cao dịp lễ, Tết. Thế nhưng, quy luật này dường như không còn đúng với năm 2018 khi nền kinh tế của Trung Quốc đang chịu tác động từ những căng thẳng thương mại với Mỹ.
Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, có 3 yếu tố bất lợi ở thị trường Trung Quốc.
Thứ nhất, Trung Quốc xả kho dự trữ ngô sử dụng cho thức ăn chăn nuôi và ngành công nghiệp; đồng thời, loại bỏ các hỗ trợ giá đối với ngô, khiến giá ngô trong nước họ trở nên cạnh tranh hơn với các sản phẩm thay thế sắn lát nhập khẩu. Vì vậy, hầu hết các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc của Trung Quốc đã chuyển đổi nguyên liệu từ sắn sang sử dụng ngô.
Thứ hai, tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ/Việt Nam đồng (CNY/VND) giảm xuống, dao động khoảng 3.360 đồng/CNY do đồng CNY tiếp tục mất giá so với đồng Đô la Mỹ. Điều này gây bất lợi cho các giao dịch xuất khẩu qua kênh biên mậu.
Thứ ba, Trung Quốc bất ngờ đưa ra quy định mới về đóng gói bao bì khiến sắn xuất khẩu sang thị trường này khó khăn hơn. Theo đó, bắt đầu từ ngày 15/11/2018 trở đi mặt hàng tinh bột sắn, sắn lát không được phép thông quan khi bao bì không tuân theo quy định mới.
Trước đó, tại Đại hội Hiệp hội Sắn diễn ra vào tháng 8/2018, ông Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hiệp hội Sắn cho biết, từ chỗ chỉ là loại cây xóa đói, cây sắn (khoai mì) đã trở thành một trong những loại cây công nghiệp của Việt Nam, liên quan tới cuộc sống của 1,2 triệu nông dân trên cả nước. Hiện diện tích sắn cả nước khoảng 550.000 ha.
Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Thái Lan, xuất khẩu tinh bột sắn đã nhiều năm vượt qua 1 tỷ USD, trong đó năm cao nhất đạt 1,35 tỉ USD. Cả nước hiện có hơn 100 nhà máy chế biến tinh bột sắn, trong đó riêng tỉnh Tây Ninh có tới 68 nhà máy, tổng công suất thiết kế khoảng 5.772 tấn sản phẩm/ngày. Hiệp hội Sắn đề ra mục tiêu nhiệm kỳ mới, phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu sắn 2 tỷ USD vào 2023.
Thế nhưng với việc kim ngạch ngành sắn không đạt được 1 tỷ USD trong năm vừa qua, cho thấy, mục tiêu được ngành sắn đặt ra đã trở nên xa vời. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, điểm sáng của ngành sắn là giá xuất khẩu các sản phẩm sắn bình quân của Việt Nam trong năm 2018 đạt 395 USD/tấn, tăng tới 49,8% so với năm 2017. Trong đó, giá xuất khẩu sắn lát đạt 215 USD/tấn, tăng 25,3% và giá xuất khẩu tinh bột sắn đạt 468 USD/tấn, tăng 41,6%. Một trong những yếu tố chính dẫn tới hiện tượng này là bởi nguồn cung khan hiếm, ảnh hưởng của dịch bệnh trên cây sắn.
Theo ước tính của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), sản lượng sắn của Việt Nam năm 2018 giảm 6,8%, Thái Lan giảm 10,7%, Campuchia giảm 2,9% so với năm 2017. Trong bối cảnh nguồn cung sắn nguyên liệu của cả Việt Nam, Campuchia và Thái Lan niên vụ 2018 - 2019 có thể giảm do dịch bệnh và mưa lũ sẽ là yếu tố hỗ trợ để giá tinh bột sắn sẽ tiếp tục tăng trong năm 2019.
"Triển vọng năm tới đối với ngành sắn sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc các nhà sản xuất có chịu rời bỏ thị trường Trung Quốc để đột phá vào các thị trường khác hay không? Hay họ vẫn chấp nhận rủi ro khi tiếp tục phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc? Với tình thế hiện nay, có lẽ phải tính đến các giải pháp như giảm diện tích trồng sắn, nâng cấp chất lượng sắn phục vụ ngành chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi", ông Toản chia sẻ.
Một số chuyên gia cũng đánh giá, trên thực tế, sắn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch tỷ USD mỗi năm, song từ trước tới nay gần như chưa có một chính sách nào tập trung phát triển cây sắn. Để có thể phát triển bền vững ngành sản xuất, xuất khẩu sắn, giảm lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu nhất định, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sắn kiến nghị cần xây dựng chính sách mang tầm quốc gia đối với phát triển cây sắn, hỗ trợ phát triển cây sắn một cách bài bản hơn...
Chu Khôi