Vietstock - ĐHĐCĐ Sacombank: Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu 2019 dưới 2%
Sáng ngày 26/04/2019, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) tổ chức ĐHĐCĐ 2019. Sacombank đề ra kế hoạch 2019 đều tăng trưởng so với năm 2018, kéo tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
* Tiếp tục cập nhật...
Thảo luận:
Năm nay có chia cổ tức an ủi cho cổ đông không? Ngân hàng nếu không chia cổ tức thì bao giờ chia?
Sacombank đang trong quá trình tái cơ cấu, ông Dương Công Minh cho biết cũng muốn chia cổ tức, nhưng phải đợi ý kiến từ NHNN.
Sacombank đang không có cổ đông chiến lược nước ngoài, khi nào mới có?
Hiện nay số cổ phần nước ngoài rất nhỏ, đang tái cơ cấu nên sẽ xin ý kiến NHNN.
Thù lao cho HĐQT như thế nào?
Thù lao HĐQT trước đây có 11 người, 2% mà HĐQT xin nhưng 2018 không sử dụng hết và đã trả lại cho cổ đông. Chế độ chi năm 2019 cũng giống như 2018 nên thù lao xin trong tờ trình chắc chắn dư sẽ trả lại cổ đông.
Tình hình KCN Phong Phú ra sao?
KCN Phong Phú trước đây Phương Nam cho vay, sau sáp nhập nên Sacombank phải gánh phần này. ĐHĐCĐ của Phong Phú cũng đã họp và bàn giao tài sản này cho Sacombank. Hiện nay Sacombank được toàn quyền bán đấu giá công khai KCN này ra thị trường. Đây là quyền lợi của cổ đông Sacombank và Ngân hàng sẽ bảo vệ quyền lợi này.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Sacombank được tổ chức vào sáng ngày 26/04/2019 |
Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu 2019 về dưới 2%
STB đề ra kế hoạch năm 2019 đều tăng trưởng so với năm 2018. Tổng tài sản đạt 455,500 tỷ đồng, tăng tối thiểu 12%. Tổng nguồn vốn huy động đạt 423,500 tỷ đồng, tăng trên 14%; trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 418,600 tỷ đồng, tăng 17%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 298,100 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 16%; trong đó, cho vay khách hàng đạt 297,600 đồng, tăng 16%.
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 2,650 tỷ đồng, tăng 18%, phấn đấu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Phương án phân phối lợi nhuận 2019, HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ kế hoạch chia cổ tức 2019 theo Đề án tái cơ cấu STB sau sáp nhập đã được NHNN phê duyệt. Sau khi trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 5% lợi nhuận sau thuế, trích lập quỹ dự phòng tài chính 10% sau khi trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.
Kế hoạch sử dụng vốn chủ sở hữu dự kiến năm 2019 là 16,789 tỷ đồng, trong đó dùng đầu tư tài sản cố định 799 tỷ đồng.
Năm 2018 quyết liệt xử lý nợ xấu
Năm 2018, các chỉ tiêu của STB đều tăng trưởng. Tổng tài sản STB đạt 406,041 tỷ đồng, tăng 10% và đạt 94% kế hoạch. Tổng nguồn vốn huy động đạt 370,136 tỷ đồng, tăng 9% và đạt gần 93% kế hoạch. Trong đó, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 357,455 tỷ đồng, tăng gần 10% và đạt 91% kế hoạch.
Tổng dư nợ tín dụng đạt 257,172 tỷ đồng, tăng 14% và hoàn thành kế hoạch. Trong đó cho vay khách hàng đạt 256,623 tỷ đồng, tăng 15% và hoàn thành kế hoạch.
Tỷ lệ nợ xấu là 2.11%. Tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất là 11.88%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 37.41%, tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 13.63%
Kết quả lợi nhuận trước thuế đạt 2,247 tỷ đồng, tăng gần 51% so với năm trước và đạt 122%.
STB cũng sẽ trích 20% phần vượt kế hoạch để thưởng cho toàn thể cán bộ nhân viên toàn hệ thống do vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2018.
Tại Đại hội lần này, STB dự định kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận phương án trả cổ tức cho cổ đông. Được biết, STB chỉ được thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông theo Đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt lộ trình đến năm 2025. Trong năm 2018, HĐQT cũng đã tích cực trong việc kiến nghị NHNN chấp thuận phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông từ lợi nhuận giữ lại. Việc chi trả cổ tức phải dựa trên cơ sở đảm bảo việc trích lập dự phòng theo Đề án tái cơ cấu tuy nhiên đến nay STB vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi từ NHNN.
Năm 2018, STB đã thu được 9,513 tỷ đồng (thuộc Đề án 7,511 tỷ đồng). Lũy kế từ khi triển khai Đề án, STB đã thu hồi được 26,068 tỷ đồng (trong đó thuộc Đề án là 19,978 tỷ đồng). Đồng thời, thu hồi lãi dự thu và tài sản nhận cấn trừ 2,191 tỷ đồng, lũy kế từ khi triển khai Đề án STB đã thu được 5,268 tỷ đồng.
Khang Di