Vietstock - GrabCar lại được kiến nghị phải… “gắn mào”
Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng để đảm bảo công bằng, GrabCar bắt buộc phải gắn hộp đèn (mào) “xe hợp đồng điện tử” hoặc“taxi điện tử” trên nóc.
Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng GrabCar phải "gắn mào" để đảm bảo công bằng, nâng tính cạnh tranh.
|
Hiệp hội taxi Hà Nội vừa gửi Thủ tướng đơn kiến nghị khẩn cấp để phản đối dự thảo Nghị định 86 sửa đổi mà Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ mới đây.
Theo đó, Hiệp hội đề xuất xếp loại hình “xe hợp đồng điện tử” như GrabCar vào cùng loại với “taxi điện tử” theo quy định trong dự thảo để dễ quản lý, đảm bảo công bằng. Trường hợp không thể gộp chung thì quy định các điều kiện của 2 loại hình này vẫn phải giống nhau, trong đó bắt buộc gắn hộp đèn (mào) “xe hợp đồng điện tử” hoặc“taxi điện tử” trên nóc.
Theo đánh giá Hiệp Hội, tờ trình về dự thảo Nghị định 86 sửa đổi của Bộ GTVT chưa đánh giá đúng những tồn tại của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải sau hơn 2 năm thí điểm.
Cụ thể, chương trình thí điểm đã phá vỡ quy hoạch vận tải của các địa phương, gây ùn tắc giao thông vì số xe Uber, Grab tăng nhanh đến mức không kiểm soát được, gấp khoảng 3 lần taxi truyền thống...
Vẫn theo Hiệp hội taxi Hà Nội, việc Bộ GTVT đánh giá Grab là đơn vị cung cấp phần mềm đã tạo ra sự bất bình đẳng lớn về điều kiện kinh doanh, góp phần triệt tiêu taxi truyền thống, gây bất ổn cho xã hội. Đồng thời, việc quản lý không chặt chẽ dẫn đến thất thu như trường hợp hiện vẫn chưa truy thu được hơn 53 tỷ đồng nợ thuế của Uber hay Grab độc quyền, phá giá khi liên tục đưa ra khuyến mại...
Trước đó, nhằm hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 86 - quy định về hoạt động kinh doanh vận tải, Bộ GTVT đã có tờ trình dự thảo gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Trong phần đề cập đến hoạt động kinh doanh vận tải với xe ô tô dưới 9 chỗ, đơn vị soạn thảo đã xếp xe Grab vào nhóm “xe hợp đồng điện tử”, khi hoạt động trên đường các xe Grab sẽ không phải đeo mào.
Cho ý kiến về việc này với Bizlive, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng, đây là quy định trái với luật và đi ngược lại quan điểm của chính lãnh đạo Bộ GTVT trước đó. “Quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện nay chỉ có 5 loại hình kinh doanh vận tải cho cho ô tô, gồm: xe khách tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng và xe du lịch, việc ban soạn thảo đưa ra một nhóm riêng là “xe hợp đồng điện tử” là chưa trái với quy định”. – ông Hùng nói.
Vẫn theo ông Hùng, mấy tháng trước khi họp về sửa đổi Nghị định 84, chính Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã kết luận: Các loại taxi và hoạt động kinh doanh tương tự như taxi phải đeo mào, nếu Grab, Uber không đáp ứng được điều kiện theo quy định thì mời rời khỏi Việt Nam. Nhưng đến nay, khi tờ trình dự thảo được gửi lên Thủ tướng Chính phủ, không rõ có thông qua Bộ trưởng GTVT hay không, còn nội dung hoàn toàn đi ngược lại những gì Bộ trưởng đã tuyên bố trước đó.
Theo ông Hùng, ngay cả nội dung trong tờ trình và dự thảo sửa đổi Nghị định 86 cũng có sự “vênh” nhau, cụ thể khoản 2 điều 6 của dự thảo đưa ra quy định: tất cả xe ô tô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải phải đeo mào như taxi. Tuy nhiên, trong tờ trình dự thảo gửi Thủ tướng, ngoài đưa thêm một loại hình kinh doanh nữa, tổ soạn thảo cũng khẳng định: xe dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ kết nối vận tải là xe hợp đồng điện tử, khi hoạt động trên đường không phải đeo mào.
Lam Song