Vietstock - NAFTA khởi động lại
Các quan chức Canada đã bước vào cuộc đàm phán quan trọng tại Washington hôm 16-8, cùng với những đồng nghiệp Mỹ và Mexico, để xem xét lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Mặc dù phía Canada tin rằng, với Mỹ, Mexico mới là trở ngại thương mại chính, song chính quyền Ottawa vẫn lo ngại về những nỗ lực của Mỹ nhằm giành được nhượng bộ trong các lĩnh vực có bất đồng về chính trị như gỗ, sữa và rượu vang. Ngoài ra người Canada cũng sợ Mỹ sẽ làm suy yếu cơ chế giải quyết tranh chấp mà Canada đã giành được với bao khó khăn trong đàm phán với Mỹ, từ thuở ban đầu của NAFTA, vào những năm 1980.
Larry Herman, một luật sư thương mại tại Toronto, được Washington Post dẫn lời, cảnh báo: “Canada nên chuẩn bị cho những cuộc đàm phán khó khăn, cứng rắn và khó chịu”.
Ông Herman chỉ rõ sự phức tạp đó đến từ hai yếu tố: Đầu tiên là Quốc hội Mỹ. Theo ông Herman, đã có những dấu hiệu cho thấy Quốc hội Mỹ sẽ tham gia nhiều hơn vào các cuộc đàm phán so với thời kỳ trước đây của NAFTA. Thứ hai là chính Tổng thống D. Trump. “Mỗi tin nhắn tweet của ông đều có thể ảnh hưởng đến chiến lược đàm phán của Mỹ”.
Michael Kergin, cựu đại sứ Canada tại Washington, nhận định mặc dù chính quyền Trudeau cho đến nay đã giải quyết rất tốt mối quan hệ với Nhà Trắng, nhưng một khi các cuộc đàm phán chi tiết bắt đầu, quan hệ này chẳng mang lại điều gì khác biệt. “Không có tình bạn trong chính sách đối ngoại, mà chỉ có lợi ích”, ông nói.
Mặc dù Canada đã nỗ lực nhiều năm qua để mở rộng các mối quan hệ thương mại của mình, bao gồm cả việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên hiệp châu Âu, song nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào thương mại với Mỹ. Ba phần tư lượng hàng xuất khẩu của Canada chảy vào các khách hàng Mỹ, trong khi chỉ có 18% hàng hóa xuất khẩu của Mỹ đi Canada (Canada vẫn là khách hàng đơn lẻ lớn nhất đối với hàng hóa Mỹ).
Trong ba đối tác của thỏa thuận NAFTA năm 1994, Canada là nước lạc quan nhất về lợi ích của hiệp định. Theo một cuộc thăm dò ý kiến do Viện Nghiên cứu Pew (Mỹ) tiến hành công bố vào tháng 5 vừa qua, có tới 74% người Canada cho rằng thỏa thuận này là “tốt” đối với đất nước của họ, chỉ có 17% nghĩ đó là xấu. Trong khi đó, 60% người Mexico cho rằng NAFTA là “tốt” và người Mỹ là tiêu cực nhất, chỉ 51% đồng ý.
Nếu các quan hệ kinh tế được nhìn nhận chỉ qua lăng kính của cán cân thương mại, thì rõ ràng Canada không phải là trở ngại của Mỹ. Năm 2016, thâm hụt hàng của Mỹ với Canada ở mức tương đối nhỏ, chỉ 12 tỉ đô la, so với mức 65 tỉ đô la từ Mexico. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Montreal, NAFTA chỉ chiếm 10% thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ. Một nửa tổng số thâm hụt thương mại hàng hóa trị giá 737 tỉ đô la của Mỹ năm ngoái là với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mexico Peña Nieto hồi cuối tháng 1, vài ngày sau khi nhậm chức, đã cho biết ông không hề lo ngại về quan hệ thương mại của Canada với Mỹ.
“Chúng tôi có một mối quan hệ rất cân bằng với Canada. Quan hệ này sẽ cân bằng hơn nữa. Vì vậy, chúng tôi không phải lo lắng về Canada”, ông Trump nói, theo tài liệu bóc băng được Washington Post trích đăng.
Tuy nhiên, chỉ ba tháng sau đó, Tổng thống Mỹ đã chỉ đích danh Canada trong một tin nhắn tweet về các chính sách bảo vệ thương mại nông nghiệp mà ông cho là gây khó khăn cho các nông dân chăn nuôi bò sữa ở Wisconsin.
“Chúng tôi sẽ không chịu đựng điều này được đâu”, Tổng thống Mỹ cảnh báo. Cũng trong khoảng thời gian đó, chính quyền của ông Trump đã đánh thuế các nhà sản xuất gỗ xẻ của Canada xuất khẩu sang Mỹ với mức thuế trung bình là 20%. Hành động này đã làm hồi sinh cuộc tranh chấp xuyên biên giới từng kéo dài suốt 35 năm.
Chính quyền Mỹ cũng không giấu ý định muốn Canada cho phép các công ty Mỹ tiếp cận nhiều hơn đối với các hợp đồng của Chính phủ Canada. Ngược lại Mỹ vẫn giữ quyền ngăn chặn các công ty Canada đấu thầu các công việc của Chính phủ Mỹ bằng chính sách “Người Mỹ dùng hàng Mỹ” (Buy America).
Ngoài ra, Mỹ còn muốn Canada cho phép miễn thuế hàng hóa cho những người mua hàng trực tuyến, điều mà các nhà bán lẻ Canada phản đối mạnh mẽ.
Cựu Đại sứ Kergin, người từng có nhiều kinh nghiệm làm việc với Washington, cho rằng trong đàm phán với Mỹ, sự kiên nhẫn là điều thiết yếu.
Mặc dù có những áp lực để kết thúc các cuộc đàm phán trước cuộc bầu cử giữa kỳ của Quốc hội Mỹ và bầu cử Tổng thống Mexico tháng 7-2018, song ông Kergin tỏ ra không lạc quan về thời hạn này.
“Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu đàm phán được hoàn thành vào mùa hè năm sau”, ông nói.