Vietstock - Thanh khoản ngân hàng tiếp tục "Tái ông thất mã"
Thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục thuận lợi với yếu tố "không hẳn là mong muốn"...
Một mặt nguồn giải ngân đầu tư công vẫn chậm và hạn chế, nhưng mặt khác lại tạo điều kiện góp phần cân đối thanh khoản và lãi suất hệ thống ngân hàng - Ảnh: Quang Phúc.
|
Thời gian gần đây, trên biểu niêm yết một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân xuất hiện mức lãi suất huy động lên tới gần 9%/năm, thay cho mức cao nhất năm ngoái chỉ khoảng 7,2-8%/năm.
Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, huy động vốn toàn hệ thống nhìn chung tích cực những tháng đầu năm, vậy vì sao lại có hiện tượng lãi suất huy động VND tăng lên cao như vậy?
Trước hết, đó là những điểm cao cục bộ, gắn với nhu cầu và cân đối riêng lẻ của những nhà băng đó, mà không phải mẫu số chung phản ánh mặt bằng lãi suất hệ thống.
Hỏi thêm lãnh đạo ngân hàng sở hữu mức lãi suất trên, câu trả lời: mức gần 9%/năm đó chỉ áp dụng cho kỳ hạn trên 5 năm, những ai thực sự có nhu cầu mới gửi kỳ hạn rất dài đó; còn ngân hàng có mục đích huy động vốn kỳ hạn dài để cân đối vốn cấp 2 (một trong những tham số để cân đối hệ số an toàn vốn).
"Mức lãi suất đó chỉ mang tính thời điểm. Sau khi huy động được lượng vốn cần cho cân đối trên, chúng tôi sẽ rút xuống", lãnh đạo một ngân hàng cho biết.
Ngược lại, ở cấu phần tiền gửi ngắn hạn hơn, cả ở tiền gửi không kỳ hạn, vị lãnh đạo trên tự tin với tốc độ gia tăng ngay từ đầu năm nay. Ông cũng cho biết, hiện tại cơ cấu ngân hàng mình đã có thêm phần tiền gửi của ngân sách Nhà nước.
Như VnEconomy đề cập ở bài viết trước đây, "tiền rồng đến gửi nhà tôm", sau hàng chục năm, từ 2017 cho đến nay hoạt động ngân hàng mới bắt đầu ghi nhận tiền gửi của ngân sách Nhà nước (chủ yếu từ Kho bạc Nhà nước) rót vào một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, mà trước đây như chỉ dành riêng cho nhóm ngân hàng thương mại nhà nước.
Thống kê sơ bộ, qua báo cáo tài chính cập nhật các quý gần đây, có một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã được đón "tiền rồng" này như Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng Quân đội (MB) và Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank).
Nhìn chung, nguồn tiền gửi từ ngân sách Nhà nước tại hệ thống các tổ chức tín dụng là một cấu phần lớn, và nổi bật hơn từ năm 2017 và nối tiếp sang quý 1/2018.
Nó có hai mặt như câu chuyện "Tái ông thất mã": mặt thì hạn chế, nhưng có mặt lại "may mà". Chỉ khác về các chủ thể trong điểm đến của những dòng chảy vĩ mô này.
Suốt năm 2017, Chính phủ gần như họp và thúc đẩy hàng tháng về vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công. Dòng vốn ở đây vì chậm mà hạn chế giá trị lan tỏa trong nền kinh tế, đến các điểm trũng đang cần vốn để kích thích tăng trưởng.
Ngược lại, cũng chính vì chậm giải ngân đầu tư công, nguồn vốn ứ đọng trong hệ thống ngân hàng thương mại dưới dạng tiền gửi trở thành một đòn kê cho thanh khoản hệ thống, góp phần bình ổn lãi suất, chỉ có điều là nó không lan tỏa giá trị chi phí vốn cho nhiều thành viên trong hệ thống.
Trong năm 2017, một số thời điểm Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cập nhật quy mô tiền gửi ngân sách Nhà nước lên tới quanh 160.000 tỷ đồng. Phần lớn nó không kỳ hạn, lãi suất thấp nhất trên biểu niêm yết, tạo nguồn lợi hậu thuẫn cho các tổ chức tín dụng.
Thực tế đó đang tiếp tục thể hiện những tháng đầu năm 2018.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý 1/2018, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện tăng khá, ước tính đạt 48,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với quý 1/2017. Thực hiện khá và tăng, nhưng do so sánh trên một cơ sở rất thấp của quý 1/2017. Còn thực tế, quy mô và tốc độ trên mới chỉ thực hiện được 14,4% kế hoạch năm mà thôi.
Báo cáo về tình hình kinh tế - tài chính Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố cũng nhấn mạnh: "Cần lưu ý tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (quý 1/2018 mới đạt 9% dự toán, cùng kỳ năm 2017 đạt 12,4% dự toán)".
Cơ quan giám sát này cũng nêu nguyên do, thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định trong quý 1 năm nay một phần do Ngân hàng Nhà nước tăng mua ngoại tệ và giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ chậm.
Như trên, chuyện "Tái ông thất mã", một mặt nguồn giải ngân đầu tư công vẫn chậm và hạn chế, nhưng mặt khác lại tạo điều kiện góp phần cân đối thanh khoản và lãi suất hệ thống ngân hàng.
Nhưng đó là mối quan hệ chẳng đừng. Nguồn vốn đầu tư phát triển khơi thông, chảy hợp lý hơn sẽ tạo sức lan tỏa trực tiếp hơn tới các điểm trũng cần vốn, lan tỏa nguồn lực ra nền kinh tế để kích thích tăng trưởng, thay vì ứ đọng gửi ở ngân hàng.
Mà có một thực tế liên quan, để hạn chế tình trạng ứ đọng vốn và gây áp lực tới lạm phát, tỷ giá…, suốt từ đầu năm đên nay Ngân hàng Nhà nước vẫn phải ráo riết liên tục hút bớt tiền về để trung hòa các tác động. Việc hút về dĩ nhiên phải mất chi phí, mà chi phí ở đây cũng là tiền ngân sách.
Minh Đức