Vietstock - Vàng thế giới giảm liền 4 tháng bất chấp đà tăng trong phiên
Các hợp đồng vàng tương lai đã xóa hết đà sụt giảm đầu phiên và quay đầu tăng nhẹ trong ngày thứ Ba (31/07), ngay cả khi đồng USD khởi sắc một ngày trước khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) công bố quyết định về chính sách tiền tệ, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao tháng 12 tiến 2.10 USD (tương đương 0.2%) lên 1,233.60 USD/oz, đánh dấu phiên tăng giá đầu tiên trong 4 phiên. Dẫu vậy, hợp đồng này đã sụt 2.6% trong tháng qua, ghi nhận tháng sụt giảm thứ 4 liên tiếp.
Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao ngay cộng 0.37% lên 1,225.76 USD/oz.
Vàng chủ yếu dao động do đà tăng mạnh của đồng USD, nhung ngay cả khi đà tăng của đồng USD dần suy yếu trong tháng 7, vàng vẫn rất khó khăn để tìm thấy yếu tố xúc tác để thúc đẩy giá tăng cao.
Vào ngày thứ Ba, chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – tiến 0.2% lên 94.52, nhưng mất 0.1% trong tháng 7.
Kỳ vọng nâng lãi suất sắp tới đã gây sức ép lên vàng, vì nhà đầu tư nhận thấy đà tăng của trái phiếu chính phủ, vốn được xem là tài sản phi rủi ro, đang cạnh tranh với nhu cầu trú ẩn an toàn của vàng.
Được biết, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm dao động tại mức 2.957%, còn lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm dao động tại mức 2.674%, gần mức cao nhất kể từ năm 2008. Lợi suất trái phiếu tăng cao có thể làm giảm tính hấp dẫn của vàng, vì kim loại quý thường không đem lại lợi suất.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến kết thúc cuộc họp chính sách vào ngày thứ Tư (01/08). Trong khi thị trường kỳ vọng Fed sẽ không nâng lãi suất, các nhà hoạch định chính sách do Chủ tịch Fed, Jerome Powell, dẫn đầu có khả năng khẳng định lại ý định nâng lãi suất ít nhất 2 lần nữa trước cuối năm 2018.
Lukman Otunuga, Chuyên gia phân tích nghiên cứu tại FXTM, nhận định: “Đây chắc chắn là một tháng sụt giảm khác của vàng, chủ yếu do đồng USD tăng mạnh cùng với kỳ vọng lãi suất tăng cao”.
Bên cạnh đó, chứng khoán Mỹ biến động khi đối mặt với đà lao dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn gần đây đã khiến Nasdaq Composite đóng cửa tại mức thấp nhất kể từ ngày 05/07/2018 và gây sức ép lên Dow Jones lẫn S&P 500. Môi trường này có thể hỗ trợ vàng, nhưng tiếc rằng đã không thể.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng phản ứng với quyết định tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), qua đó làm đồng Yên (JPY) giảm mạnh, góp phần giúp đồng USD tăng. Ngân hàng trung ương Anh quốc (BoE) dự kiến có cuộc họp vào ngày thứ Năm (02/08), đồng thời có khả năng nâng lãi suất lần thứ 2 trong 1 thập kỷ tại cuộc họp này.
Về mặt dữ liệu kinh tế, chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ tăng 0.4% trong tháng 6, còn tỷ lệ lạm phát cốt lõi trong tháng này cũng nhích 0.1%. Điều kiện kinh doanh tại khu vực Chicago trong tháng 7 tăng 1.4 điểm lên 65.5, mức cao nhất trong 6 tháng và niềm tin người tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 7 vọt lên 127.4 – một trong những mức đỉnh trong 18 năm.
Trong số các kim loại trên sàn Comex, hợp đồng bạc giao tháng 9 nhích 0.1% lên 15.559 USD/oz, nhưng vẫn giảm 3.9% trong tháng qua. Hợp đồng đồng giao tháng 9 cộng 1.4% lên 2.832 USD/lb. Trong tháng 7, hợp đồng này đã sụt 4.5%.
Hợp đồng bạch kim giao tháng 10 tăng 1.7% lên 845.80 USD/oz, dẫu vậy vẫn mất 1.8% trong tháng 7. Hợp đồng paladi giao tháng 9 tiến 1% lên 931.90 USD/oz, nhưng vẫn giảm 2.2% trong tháng qua.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, chứng chỉ quỹ SPDR Gold Trust (NYSE:GLD) cộng 0.2%, còn chứng chỉ quỹ iShares Silver Trust (NYSE:SLV) tăng 0.3%.
Diễn biến giá vàng giao ngay 3 phiên vừa qua
Nguồn: Kitco
|
Diễn biến giá vàng giao ngay trên sàn New York
Nguồn: Kitco
|
An Trần