Vietstock - Đề xuất giảm mức thuế suất với ngành than là chưa phù hợp
Bộ Tài chính vừa có văn bản số 8335/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan tới việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng sắt.
Bộ Tài chính đã có ý kiến đối với kiến nghị của Bộ Công Thương đề nghị chỉ đạo điều hành chính sách thuế, phí linh hoạt ở từng thời điểm nhằm tạo điều kiện cho ngành than có tích lũy nguồn lực để phát triển theo quy hoạch; nâng cao năng lực cạnh tranh của than sản xuất trong nước; giảm lượng than tồn kho về mức hợp lý để tháo gỡ khó khăn cho ngành than.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các đề xuất giảm thuế xuất khẩu hỗ trợ ngành than, Bộ Tài chính cho biết quan điểm phát triển ngành than Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bảo đảm việc xuất khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch.
Hiện, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch xuất khẩu than giai đoạn 2017-2020 khoảng 2 triệu tấn/năm.
Mặt hàng than các loại có khung thuế suất 10-45%. Thuế xuất khẩu than các loại là 10-15%, trong đó than đá là 10%, mức thấp nhất của khung thuế suất do Quốc hội quy định. Vì vậy, việc giảm thuế xuất khẩu xuống dưới 10% là vượt thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về chính sách thuế nhập khẩu theo Tổng cục Hải quan, năm 2016 TKV và Tổng công ty Đông Bắc nhập khoảng 2,6 triệu tấn, ngoài ra còn khoảng trên 55 doanh nghiệp nhập than với khối lượng 13,3 triệu tấn, trị giá hơn 928 triệu USD từ Australia, Nga, Indonesia, Triều Tiên. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, giá than thế giới tăng trở lại, nhu cầu sử dụng than nhập khẩu giảm.
Theo Bộ Tài chính, kết quả cân đối cung cầu than hiện cho thấy nhu cầu nhập khẩu than cho các hộ tiêu thụ trong nước (đặc biệt cho sản xuất điện) những năm tới rất lớn. Cụ thể, dự kiến năm 2017 khoảng 11,7 triệu tấn, năm 2020 khoảng 40,2 triệu tấn, năm 2025 khoảng 70,3 triệu tấn, năm 2030 khoảng 102 triệu tấn.
Theo số liệu của TKV, tính đến tháng 5/2017, lượng than tồn kho của TKV là 9,5 triệu tấn. Vì vậy trong ngắn hạn, để giảm lượng than tồn kho ở mức hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho ngành than, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét giải pháp tăng thuế nhập với than từ 0% lên 3% hoặc 5%.
Đối với chính sách Thuế bảo vệ môi trường với than thì Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định khung thuế đối với than đá từ 10.000-30.000 đồng.
Tại Nghị quyết 1269/2011/UBTVQH12, thuế bảo vệ môi trường với than nâu là 10.000 đồng, than antraxit 20.000 đồng, than mỡ 10.000 đồng (mức thấp nhất của khung thuế suất do Quốc hội khung định). Tại dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thông qua tháng 10/2017 không đề xuất sửa đổi khung thuế đối với than. Vì vậy việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với than xuống thấp hơn các mức hiện hành là vượt thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính cho biết thêm hiện Trung Quốc đang thu thuế môi trường với than từ 25.600 - 118.400 đồng/tấn
Với chính sách thuế tài nguyên, thuế suất cao nhất theo Luật Thuế tài nguyên với than là 20%, song thực tế mới áp dụng mức 10-12%. Mức thuế này, theo Bộ Tài chính là phù hợp để bảo vệ tài nguyên than, đảm bảo hợp lý nguồn tài nguyên than cho sản xuất điện.
Do đó, việc đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế suất đối với tài nguyên khoáng sản, trong đó có mặt hàng than, là chưa phù hợp.
Bộ Tài chính cho biết thêm chính sách thuế đối với tài nguyên các nước trên thế giới rất đa dạng và thường không theo một khuôn mẫu chung. Mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên phụ thuộc vào tầm quan trọng của từng loại tài nguyên phụ thuộc vào tầm quan trọng của từng loại tài nguyên cũng như chính sách của quốc gia đó đối với việc bảo vệ môi trường và đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước./.