Vietstock - Bài học đắt giá về chợ đầu mối
Các chợ đầu mối từ Đắk Lắk đến Đồng bằng Sông Cửu Long, Lâm Đồng, Hải Dương, Nghệ An mất gần trăm tỷ đồng, mà không thu được kết quả gì.
Nếu coi chợ đầu mối như nơi bán buôn và dành cho các thương lái, mà không áp dụng các dịch vụ hiện đại, thì sẽ là một sai lầm lớn.
Chợ đầu mối trái cây Sơn Định đóng cửa gây lãng phí. Ảnh: VOV
|
“Khuyết tật” khiến chợ đầu mối thất bại
Theo chuyên gia kinh tế Hoàng Thọ Xuân, thất bại thảm hại nhất của 5 dự án chợ đầu mối nói trên là do chọn sai địa điểm, trong khi điểm bán buôn cần đảm bảo 2 yếu tố. Thứ nhất, gần nơi sản xuất. Thứ hai, gần thị trường tiêu thụ.
Theo ông Xuân, lâu nay ở Việt Nam, một ông chủ hàng vẫn làm từ A đến Z, không chịu thuê mướn ai. Bây giờ làm sao phải biến logistics thành một nghề, làm thuê cho chủ hàng một cách chuyên nghiệp và gắn chặt với chợ bán buôn, chợ đầu mối. Làm tốt điều này cũng là cách gỡ khó cho người nông dân, không phải nhờ các bộ ngành và xã hội cùng đi “giải cứu ”nông sản” dư thừa.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận, chợ đầu mối hiện nay vẫn còn những hạn chế. Đơn cử, cơ sở vật chất còn yếu kém. Công tác chuyển đổi mô hình chợ còn chậm; việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo chợ rất khó khăn; công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa,... tại chợ còn nhiều bất cập.
Để xử lý những vướng mắc này, theo ông Đông, cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển chợ đầu mối; bố trí quỹ đất đủ để đáp ứng nhu cầu xây dựng chợ đầu mối với đẩy đủ các khu chức năng; thay đổi phương thức mua, bán giao dịch tại chợ đầu mối theo hướng hiện đại, gắn với các dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, giám định chất lượng hàng hóa...
Không thể thiếu công nghệ 4.0
Dù là loại hình bán buôn, nhưng các chợ đầu mối hiện vẫn áp dụng phương thức giao ngay là chủ yếu, mua bán giao sau hay qua internet còn hạn chế. Do đó, nhà nước cần tạo lập môi trường, điều kiện thuận lợi nhằm phát triển các phương thức kinh doanh hiện đại để nâng cao hiệu quả giao dịch của chợ đầu mối.
Theo ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội công nghệ cao TP. HCM, cần làm tốt công tác truy xuất nguồn gốc hàng hóa để hỗ trợ được giao thương, trao đổi thông tin thương mại và tạo hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước.
“Truy xuất nguồn gốc để hỗ trợ quản lý nhà nước nắm thông tin, cân bằng cung cầu. Làm sao nhà sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng tham gia chuỗi cung ứng này và ở đây vai trò của công nghiệp 4.0 rất quan trọng”, ông Trung cho biết.
Đồng tình với nhận định này, ông Bùi Bá Chính, Phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia Việt Nam (GS1) cho biết, những người sản xuất nông sản gần như chưa tiếp cận được với cộng nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ mã số, mã vạch.
“Công cụ mã số mã vạch sẽ giúp bảo vệ được nhà sản xuất, nhà phân phối cũng như người tiêu dùng trong việc xác định được chất lượng, giá trị sản phẩm đúng như công bố”, ông Chính nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để phát triển chợ đầu mối theo quy mô lớn, hiện đại và thuận tiện, cần giám sát và thực thi tiêu chuẩn quản lý chất lượng hàng hóa chặt chẽ, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Muốn vậy, cần có các biện pháp phân cấp giám sát hàng hóa từ khâu đóng gói, cơ chế truy tìm nguồn gốc, áp dụng đồng thời với các biện pháp kiểm tra, kiểm định đảm bảo an toàn thực phẩm hàng hóa lưu thông trong chợ.
Nguyễn Việt