Vietstock - Ai đang sở hữu Trung Nguyên?
Cơ cấu sở hữu cô đặc phần nào lý giải việc bà Lê Hoàng Diệp Thảo muốn ông Đặng Lê Nguyên Vũ chu cấp cho 4 con bằng cổ phần thay vì cổ tức.
*'Nội chiến' Trung Nguyên được tòa Singapore xử ra sao?
*Đặng Lê Nguyên Vũ: 'Qua đâu có tâm thần'
Theo báo cáo tài chính năm 2017 của Tập đoàn Trung Nguyên, công ty này chỉ có ba cổ đông chính là Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (sở hữu 70%), ông Đặng Lê Nguyên Vũ (20%) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (10%).
Nếu tính gộp cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp thông qua Đầu tư Trung Nguyên thì ông Vũ đang là cổ đông lớn nhất nắm 62% của đế chế Trung Nguyên. Trong khi đó, sở hữu của bà Thảo có phần yếu thế hơn khi tỷ lệ cộng gộp khoảng 31%.
Một trong những lý do chưa tìm được tiếng nói chung trong các buổi hòa giải ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo là vấn đề trợ cấp cho con cái. Theo đó, bà Thảo yêu cầu ông Vũ trợ cấp cho mỗi người con 5% cổ phần tại Trung Nguyên, trong khi ông Vũ chỉ chấp nhận yêu cầu trợ cấp bằng phần cổ tức bằng với 5% cổ phần.
Đứng đầu trong hệ sinh thái Trung Nguyên là Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (TNG), doanh nghiệp được thành lập năm 2006 do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng này sở hữu toàn bộ các công ty hiện tại liên quan đến thương hiệu Trung Nguyên như Cà phê Trung Nguyên, Cà phê hòa tan Trung Nguyên, Trung Nguyên franchise và Trung Nguyên International (Singapore). |
Với tỷ lệ sở hữu hiện nay, việc trợ cấp 5% cổ phần cho bốn người con của ôngVũ cũng bằng đúng sở hữu trực tiếp của ông tại công ty này. Nếu quyết định này được thông qua, cộng thêm 20% sở hữu của các con, bà Thảo sẽ có ưu thế hơn đáng kể về quyền biểu quyết.
Dù vậy, cổ tức ứng với 5% cổ phần cho mỗi người con cũng không phải số tiền nhỏ, nếu xét theo tỷ lệ chi trả năm gần nhất. Năm 2017, Tập đoàn Trung Nguyên đã chia cổ tức 1.000 tỷ đồng cho các cổ đông, trong đó 500 tỷ dưới dạng tiền mặt và 500 tỷ đồng cổ phiếu.
Báo cáo tài chính năm 2017 của Trung Nguyên trong phần giao dịch với người có liên quan cũng cho biết, phần cổ tức ứng với 20% sở hữu của ông Vũ trong năm gần nhất là 200 tỷ đồng, trong khi cổ tức mà bà Thảo nhận được là 100 tỷ đồng (bao gồm một nửa là tiền mặt và một nửa là cổ phiếu).
Theo số liệu của Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), doanh thu và lợi nhuận gộp của Trung Nguyên trong năm 2017 vẫn tương đương những năm gần đây nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 11% so với năm 2016 và giảm gần một nửa so với kết quả năm 2014 khi còn 680 tỷ đồng.
Ba năm trước, lợi nhuận của Trung Nguyên tăng mạnh nhờ kết chuyển lãi từ các công ty thành viên về công ty mẹ. Tuy nhiên, loại trừ con số đột biến, kết quả cũng không mấy sáng sủa nếu nhìn từ đà tăng của các khoản chi phí.
Lợi nhuận giảm không đáng kể, nhưng rõ ràng hiệu quả trên mỗi đồng chi phí của Trung Nguyên đã sụt mạnh so với trước. Doanh thu gần như không đổi nhưng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao, riêng chi phí bán hàng đội thêm 16% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 117% so với năm 2014 – giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng tại tập đoàn.
Tranh chấp giữa hai vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo bắt đầu từ tháng 4/2015, khi Tập đoàn Trung Nguyên (TNG) ra quyết định bãi nhiệm chức danh điều hành của bà Thảo tại TNG và các công ty thành viên. Không đồng ý với quyết định này, bà Thảo liên tục kháng nghị và gửi đơn lên tòa án để khôi phục chức danh điều hành.
Cuộc tranh chấp quyền lực lên đỉnh điểm với hàng loạt tố cáo qua lại, được nối dài với nhiều vụ kiện đan xen chưa có hồi kết, trong đó có cả diễn biến ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo. Bà Thảo tố 4 người điều hành thao túng quyền lực cướp nhà máy Trung Nguyên tại Bình Dương, đồng thời cho biết ông Vũ đang bị bệnh về thần kinh, không thể xuất hiện trước công chúng. Tuy nhiên, giữa tháng 6, ông Vũ đã tái xuất trong một buổi ra mắt sản phẩm. Mới đây nhất, đầu tuần này, ông cũng có cuộc trao đổi với báo chí để khẳng định sức khỏe bình thường.
Minh Sơn