Vietstock - Du lịch đường sông: sản phẩm ít, ô nhiễm nhiều
Đó là nhận định được các chuyên gia nêu ra tại hội thảo "Phát triển sản phẩm du lịch đường sông tại TP.HCM" diễn ra ngày 5.7.
Cần đột phá để xây dựng sản phẩm du lịch đường sông hấp dẫn.
Độc Lập
|
Hội thảo do Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM phối hợp cùng Trường đại học Văn hóa TP.HCM tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch, cơ quan nhà nước lắng nghe ý kiến chuyên gia về tiềm năng, thực trạng và giải pháp để TP.HCM phát triển thành công du lịch đường sông.
Sản phẩm nghèo nàn, đơn điệu
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lợi, từ Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM thẳng thắn đánh giá các sản phẩm du lịch đường sông được TP triển khai thời gian qua còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa thỏa mãn nhiều đối tượng du khách khác nhau, không đạt được kết quả như kỳ vọng. Một trong những lý do quan trọng là TP đang thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng, dễ gây nhàm chán cho du khách.
Theo ông, du lịch sông nước cần nhất là mang đến cho du khách những trải nghiệm về cảnh quan, đầu tiên phải thỏa mãn nhu cầu xem, nhìn. Đơn cử như tuyến du lịch trên sông Chao Phraya ở Bangkok (Thái Lan), tuy chỉ đi một đoạn ngắn nhưng du khách có cơ hội ngắm nhìn toàn cảnh phố xá hai bên đường, có điểm dừng để cho cá ăn hay có các bến ghé lại thăm chùa chiền.
Trong khi đó, với tuyến du lịch đường sông trên kênh Nhiêu Lộc ở TP.HCM hiện nay, nước sông ô nhiễm, hai bên phố xá không có gì đặc sắc, không mang lại điều gì hấp dẫn du khách.
"Khách nước ngoài lúc đầu có thể có hứng thú với những cô gái mặc áo bà ba hát dân ca, nhưng cả quãng đường đi không có gì xem, không có điểm dừng cho hoạt động vui chơi nào, nước sông thì hôi thối bẩn thỉu, người dân hai bên kênh có khi còn thản nhiên ném rác, phóng uế xuống lòng kênh. Thử hỏi một tour như vậy có khách nào còn muốn đi lại lần hai?" - ông Lợi đặt vấn đề.
Th.S Trần Thị Bích Thủy, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại TP.HCM nhận định đối với một sản phẩm du lịch đường sông, địa điểm bến đưa đón, dừng chân của du khách rất quan trọng nhưng các tuyến du lịch đường sông hiện nay xây dựng chưa hợp lý. Hai điểm đặt nhà ga đón và đưa khách tại Q.1 và Q.3 của tuyến du lịch bằng thuyền kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đơn giản chỉ là điểm đưa, đón du khách, khi khách lên bờ không có điểm tham quan, mua sắm, không có gì chơi.
Chưa kể rác, ô nhiễm môi trường là vấn nạn nhức nhối của ngành du lịch TP, đặc biệt là du lịch đường sông. Đi một vòng dọc ven sông Sài Gòn từ Q.8 qua Q.4, Q.1 đến Q.3, một điều luôn hiển hiện trên mặt sông là rác. Có vài điểm dừng chân, bến tàu còn bốc mùi hôi thối.
"Ngoài ra, an ninh, an toàn, thời gian hoạt động của các tour du lịch, nguồn nhân lực và công tác quảng bá cũng là những vấn đề TP.HCM cần phải khắc phục, mạnh dạn đột phá một cách hợp lý để xây dựng sản phẩm du lịch đường sông thật sự hấp dẫn, đánh thức tiềm năng dồi dào cho ngành du lịch đường sông của TP" - bà Thủy nói.
Xây dựng các tour đa dạng, có chiều sâu
Với quan điểm xuyên suốt: sản phẩm là mấu chốt để phát triển du lịch đường sông, ông Nguyễn Thanh Lợi đề xuất ngành du lịch thành phố cần đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Ngoài các tour du lịch sinh thái, cần chú ý dạng du lịch khám phá, tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hóa. Đơn cử, tour "bến Bạch Đằng" có thể cho khách tham quan cảng Ba Son, đại chủng viện thánh Giuse, trụ sở Hải quan... đồng thời thuyết minh cho du khách những địa danh lịch sử như xóm Tàu Ô, đồn Giác Ngư, bến Ngự, chợ Bến Sỏi... Hay xây dựng các tour tham quan khu phố người Hoa với nét đặc sắc từ chùa chiền, kiến trúc, ẩm thực...
Bên cạnh đó, mở rộng các tuyến điểm du lịch với vùng phụ cận, thực hiện các tour liên tuyến, kết nối với các tỉnh Tây Nam bộ, tổ chức du lịch dọc sông Mê Kông sang tận Campuchia, thích hợp cho những tour dài ngày của du khách nước ngoài .
"Tùy theo đối tượng, nhu cầu của du khách để có thể thiết kế những tuyến điểm tham quan phù hợp cho du lịch đường sông ở TP.HCM. Việc khai thác ở chiều sâu các giá trị lịch sử - văn hóa sẽ tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn nhằm thu hút du khách nội địa và cả nước ngoài. Hạ tầng, môi trường có cải thiện nhưng sản phẩm kém hấp dẫn thì du khách cũng không chọn" - ông Lợi nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Mai Hà Phương, Trưởng khoa Du lịch - Đại học Văn hóa TP.HCM cho rằng lợi thế về sông nước cần được khai thác đi vào chiều sâu để trở thành sản phẩm chủ lực của du lịch địa phương trong thời gian tới. Để đạt mục tiêu này, TP phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật để tạo ra các cách khai thác tài nguyên vốn "cũ" trở thành sản phẩm mới hấp dẫn. Quy hoạch xây dựng khu vực tái hiện không gian "trên bến dưới thuyền" của Sài Gòn xưa trên kênh Bến Nghé - Tàu Hủ (khu vực Q.1) và đẩy mạnh phát triển các dự án khác để khai thác giá trị không gian mặt nước (tổ chức các khu vực biểu diễn nghệ thật, tái hiện chợ nổi, trải nghiệm cuộc sống trên sông nước...) ở những khu vực có cảnh quan đẹp, môi trường ít ô nhiễm, tạo những điểm nhấn tham quan về đêm trong khu vực nội thành.
Hà Mai