Vietstock - Đồng USD tụt dốc không phanh dưới thời Donald Trump!
Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên đề cập đến thị trường chứng khoán mạnh là một bằng chứng cho thấy các chính sách kinh tế của ông đang có hiệu quả. Vậy còn đà lao dốc của đồng USD thì sao?
Dow Jones vượt ngưỡng 22,000 điểm hôm thứ Tư, trong khi đồng USD lại trượt xuống mức thấp nhất trong 15 tháng so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Điều này cũng không hẳn là xấu: Đồng USD yếu hơn đã thúc đẩy chứng khoán lên mức cao kỷ lục, và giúp các công ty Mỹ tạo lợi nhuận nhiều hơn từ nước ngoài.
Tuy nhiên, các tín hiệu từ đồng USD và thị trường chứng khoán đang rất mâu thuẫn, đặc biệt là khi xem xét đồng bạc xanh lúc đầu đã tăng mạnh sau khi Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ. Cam kết cắt giảm mạnh thuế, gia tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng và nới lỏng quy định đã đẩy đồng bạc xanh lên mức cao nhất trong 14 năm hồi tháng 1/2017.
Tại thời điểm đó, nhà đầu tư tin rằng ông Trump cùng với Quốc hội Mỹ dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa, rồi cũng sẽ thúc đẩy nền kinh tế Mỹ tăng mạnh và buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất quyết liệt hơn.
Tuy nhiên, các thất bại của ông Trump trong việc thông qua chính sách kinh tế, cùng với sự hồi sinh của tăng trưởng kinh tế châu Âu, đã tác động nặng nề đến đồng USD. Cụ thể, chỉ số đồng USD, thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, đã sụt 10% kể từ khi chạm đỉnh hồi ngày 03/01/2017, đồng thời ghi nhận chuỗi lao dốc 5 tháng liên tiếp đầu tiên kể từ năm 2011.
Trong khi thị trường chứng khoán Mỹ đã leo lên mức kỷ lục mới nhờ lợi nhuận doanh nghiệp khả quan, thì đồng USD lại suy yếu trước những cú vấp của Donald Trump.
Theo quan điểm của Kit Juckes, Chiến lược gia vĩ mô tại Societe Generale, cho hay sự lùm xùm từ phía Nhà Trắng đã châm ngòi cho đà sụt giảm của đồng USD.
Trong một báo cáo, ông Juckes nhận định: “Niềm tin vào khả năng thực hiện các chính sách tài khóa kích thích tăng trưởng của chính quyền ông Trump dường như đã chạm mức thấp nhất có thể”.
Tương tự, Lukman Otunuga, Chuyên gia phân tích nghiên cứu tại FXTM, cũng lên tiếng chê trách về một đồng USD bị “ngược đãi” do các câu chuyên chính trị ở Washington. Ông cho biết tình trạng bất ổn đang làm nảy sinh mối nghi ngờ về khả năng thực hiện lời hứa của ông Trump.
Dẫu vậy, không phải tất cả nguyên nhân đều xuất phát từ Mỹ. Cụ thể, đồng Euro đang hồi phục trở lại, qua đó tác động tiêu cực đến đồng bạc xanh. Đà hồi phục kinh tế ở châu Âu và việc nhà đầu tư ngày càng bớt lo ngại về sự tan vỡ của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã nhấc bổng đồng Euro lên mức cao nhất trong 2 năm rưỡi so với đồng USD trong ngày thứ Tư.
“Tôi thích một đồng USD không quá mạnh”, ông Trump nói với tạp chí The Wall Street Journal.
Dĩ nhiên, mọi thứ chỉ mang tính tương đối. Đồng USD yếu có thể ảnh hưởng tiêu cực và tích cực đến nền kinh tế Mỹ.
Khi đồng USD yếu hơn, Mỹ có thể cạnh tranh tốt hơn trên thương trường quốc tế.
Vào đầu năm nay, đồng USD đã ở mức quá cao và điều này đe dọa đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì khi đồng USD mạnh, các sản phẩm được neo theo đồng USD và bán ở nước ngoài sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với những người sử dụng đồng tiền khác. Ngoài ra, đồng USD mạnh còn tác động tiêu cực khi lợi nhuận bằng đồng ngoại tệ được chuyển đổi thành đồng USD.
Và các cổ phiếu thuộc Dow Jones cũng thích điều này: Đa số thành viên của chỉ số Dow Jones đều tạo ra lợi nhuận cao ở nước ngoài. Điều này có nghĩa là họ sẽ có lợi nhuận chuyển đổi về đồng bạc xanh cao hơn nếu đồng USD suy yếu. 3 thành viên Dow Jones có thành quả tốt nhất trong năm nay – Boeing, Apple và Visa – chỉ tạo ra gần 55% tổng doanh thu ở Mỹ.
Điều này giải thích tại sao Dow Jones tăng gấp 3 lần so với Russell 2000 – vốn là chỉ số bao gồm các công ty có quy mô nhỏ hơn và tập trung ở Mỹ nhiều hơn.
Về khía cạnh đi du lịch nước ngoài. Người Mỹ đi du lịch ở nước ngoài sẽ đổi được ít ngoại tệ hơn khi đồng USD đang suy yếu. Hiện một Euro đổi được 1.19 USD, cao hơn rất nhiều so với hồi tháng 1/2017, khi đó 1 Euro chỉ bằng 1.03 USD.
Đồng USD suy yếu cũng là cú sốc đối với những nhà nhập khẩu lớn ở Mỹ. Các công ty nhập khẩu hàng từ nước ngoài sẽ phải trả nhiều tiền hơn so với thời điểm 1 năm về trước. Dù nhìn chung đồng USD có thể vẫn mạnh, nhưng việc suy yếu liên tiếp có thể làm giảm lợi nhuận của những công ty nhập khẩu.
Dấu hiệu của tăng trưởng chậm chạp: Khi còn là một ứng cử viên Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã cam kết thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng 4% mỗi năm. Tuy nhiên, đồng USD yếu hơn báo hiệu rằng niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng thực hiện các cam kết chính sách của ông Trump ngày càng suy giảm./.