Vietstock - Vì sao “hôn nhân” giữa các quỹ đầu tư và doanh nghiệp Việt tan vỡ?
Hàng loạt vụ “hôn nhân” tan vỡ giữa các quỹ đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam đều có một điểm chung là sự xung đột đến từ nhận thức và tập quán khác nhau của hai bên đối tác.
Mối duyên giữa Yến Việt và Ba Huân với quỹ đầu tư tài chính đều có kết thúc không trọn vẹn.
|
Mới đây Quỹ đầu tư FPT (FPT Capital) đã khởi kiện Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai và ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) liên quan đến việc tranh chấp hợp đồng góp vốn ra Tòa án TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Anh Gia Lai, xác nhận thông tin trên và giải thích: Tháng 12/2011, FPT Capital và Công ty Cổ phần Cao su Hoàng Anh Gia Lai (nay chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HNG) đã ký hợp đồng góp vốn cổ phần có giá trị 76,5 tỉ đồng.
Trước đó, Công ty Ba Huân đã có đơn gửi Thủ tướng nhờ can thiệp để hủy thỏa thuận hợp tác đã ký với Quỹ đầu tư VinaCapital. Doanh nghiệp của “nữ hoàng hột vịt” cho rằng việc hợp tác với VinaCapital nhằm mục đích đưa thương hiệu Ba Huân vươn tầm quốc tế. Tuy nhiên, thay vì mục tiêu hợp tác và phát triển, VinaCapital lại muốn chiếm quyền quản lý và điều hành toàn bộ công ty, chiếm đoạt thương hiệu Ba Huân. Mặt khác, VinaCapital đã tự động đưa tỉ suất hoàn vốn (IRR) quá cao, lên đến 22%/năm, gấp gần ba lần lãi vay vốn ngân hàng.
Ông Nguyễn Hữu Tùng, nhà sáng lập BV Hoàn Mỹ cho rằng, việc đổ vỡ mối quan hệ hợp tác với VinaCapital vì nghĩ rằng quỹ đầu tư này cùng đầu tư vào theo kiểu lời ăn lỗ chịu nên dễ dàng chấp nhận nhiều điều kiện từ VinaCapital. Khi đi vào thực tế thì chịu quá nhiều ràng buộc nên không thể đáp ứng được, cuối cùng hai bên đành "chia tay".
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, có khá nhiều lý do để một thương vụ hợp tác giữa quỹ đầu tư và doanh nghiệp Việt gãy gánh nửa chừng. Nếu hợp tác với quỹ đầu tư ngoại thì cản trở đầu tiên với doanh nghiệp Việt là ngôn ngữ, mặc dù ngoại ngữ chính là tiếng Anh.
Cụ thể, doanh nghiệp Việt thường không thuê hoặc thuê người phiên dịch không có chuyên môn trong lĩnh vực để truyền tải đúng cho chủ doanh nghiệp. Hệ quả là hiểu sai vấn đề và ý đối tác, cũng như cung cấp và trả lời thông tin thiếu chính xác cho đối tác.
Quỹ đầu tư nước ngoài thường khá minh bạch và cởi mở thông tin, trong khi doanh nghiệp Việt mang tính cách Á Đông thường khá kín đáo trong cách trình bày. Các dữ liệu mà quỹ đầu tư muốn xem, khảo cứu thì công ty Việt có khi không cung cấp đầy đủ, xem xét tường tận.
“Ngoài ra, doanh nghiệp Việt không có thói quen áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế khiến các quỹ khó nắm bắt tính chính xác vấn đề sức khỏe công ty dẫn đến dễ gây trở ngại đầu tư. Hơn nữa, khi làm việc với quỹ đầu tư mà không hiểu bản chất, ưu nhược điểm của quỹ thì sẽ gặp những rắc rối hoặc phải chịu cảm giác bị lừa”, ông Hiếu nói.
Nhìn rộng hơn, ở một số quỹ khác, đổ bể thương vụ cũng từng diễn ra. Đó là Vinamit với Indochina Capital, là The KAfe với Cassia Investments (Hong Kong). Hầu hết nguyên nhân đổ vỡ đều do không đáp ứng được các điều kiện trong thỏa thuận đầu tư.
Nguyễn Việt