Vietstock - Cổ đông nhỏ “bên lề” đại hội
Mùa đại hội cơ bản đã kết thúc, năm nay cổ phiếu đều tăng nên những tâm tư “bên lề” có phần hơi trầm lắng.
* Cổ đông lớn có những quyền gì trong doanh nghiệp?
Quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ đôi khi bị bỏ qua trong một số ĐHĐCĐ thường niên của các doanh nghiệp niêm yết
|
Đại hội một doanh nghiệp lớn trên sàn năm nay không tổ chức tại Hà Nội hay TP.HCM (HM:HCM) như thường lệ mà chọn một tỉnh miền Trung, nơi cát trắng nắng vàng để tổ chức.
Hội trường nhỏ của một khu resort nhỏ chỉ chưa tới 100 người tham dự bao gồm quan khách báo chí, và tất nhiên là cả cổ đông, nhưng đủ tới trên 90% cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Giá cổ phiếu tăng, không khí đại hội vui vẻ, đầm ấm như một gia đình, tất cả mọi kế hoạch trình ra đại hội đều được thông qua với tỷ lệ gần tuyệt đối. Tổ chức xa, lại trong khu nghỉ dưỡng, cổ đông ngồi ăn sáng ăn trưa với chủ tịch hội đồng quản trị và dàn lãnh đạo doanh nghiệp rất gần.
Cụng ly với chủ tịch hội đồng quản trị, một cổ đông tự giới thiệu anh đầu tư vào doanh nghiệp mới từ cuối năm ngoái và “không nghĩ đại hội vui vẻ thế này”, đồng thời gửi gắm tới chủ tịch hội đồng quản trị: “Sang năm, anh cứ chọn chỗ nghỉ dưỡng nào đó mà đại hội, em có cớ mang cả gia đình đi nghỉ luôn”.
Câu chuyện “mang đại hội” đi xa để tổ chức năm nào cũng có. Lý do thì muôn vàn, có doanh nghiệp chọn Sapa để tổ chức kết hợp với chương trình kỷ niệm thành lập, khen thưởng nhân viên, và khích lệ tinh thần “lên đỉnh Đông Dương – đỉnh Fansipan”. Có doanh nghiệp xây lắp chọn vùng Tây Bắc, nơi họ được thành lập và phát triển ban đầu, để tổ chức. Có doanh nghiệp trụ sở ở địa phương nhưng mang đại hội về Hà Nội tổ chức cho gần nhiều cổ đông…
Chuyện “bên lề”
Vui như những câu chuyện đề cập trên thì không phải bàn, nhưng với những doanh nghiệp “có câu chuyện”, đi xa còn có nghĩa tạo rào cản kỹ thuật để “lọc bớt” cổ đông nhỏ lẻ.
Một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội vừa qua tổ chức đại hội tại Ninh Bình, đã nhận được không ít phàn nàn từ các “ông chủ nhỏ” của mình.
Trao đổi với người viết, một cổ đông bày tỏ bức xúc khi nhận giấy mời tham dự mà phần nhận thông tin phản hồi chỉ có email và fax, không có số điện thoại và tên người cần liên hệ. Cổ đông này không dự được vì điều kiện công việc không đi được xa, muốn chất vấn lãnh đạo không biết cách nào ngoài gửi email.
“Tôi gửi mail để liên hệ thì 2 hôm sau mới nhận phản hồi và nội dung rất chung chung là đã nhận được ý kiến!”, cổ đông này bức xúc và cho biết: “Ai cũng biết là cổ đông lớn nắm chi phối, nên tổ chức ở đâu cũng đủ tỷ lệ tham dự để diễn ra, nhưng rõ ràng là nếu tổ chức ở Hà Nội hay TP.HCM nơi tập trung đông các cổ đông thì thuận lợi hơn rất nhiều đi tỉnh”.
“Tôi cũng chả có ai quen ở Ninh Bình để mà ủy quyền tham dự, đi không được mà ủy quyền cũng không được, coi như mất quyền”, cổ đông này cho biết.
Thực tế hiện nay, chưa có điều luật nào quy định công ty khi họp đại hội cổ đông phải hỗ trợ kinh phí (đi lại, ăn ở) để cổ đông có thể tới tham dự. Tính toán trên nhiều phương diện, đặc biệt về tài chính sẽ tạo ra khó khăn cho các cổ đông nhỏ mỗi mùa đại hội khiến cổ đông phải chọn hình thức dự họp trực tuyến (nếu có).
Tuy nhiên, trong phần thảo luận, cổ đông lớn tại hội trường luôn được đại diện doanh nghiệp ưu tiên giải đáp thắc mắc. Còn với những cổ đông gửi câu hỏi từ xa, lãnh đạo doanh nghiệp hầu như đều trả lời “sẽ phản hồi riêng qua thư điện tử để tiết kiệm thời gian”.
Dưới góc nhìn của TS. Nguyễn Duy Hùng, giảng viên bộ môn Tài chính doanh nghiệp, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc tổ chức đại hội ở những vị trí không thuận lợi cho cổ đông có thể là chủ đích của doanh nghiệp, bởi với một đại hội nhiều cổ đông tham dự thì phần thảo luận có thể xuất hiện những ý kiến, câu hỏi không tích cực hoặc gây bất lợi cho doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp mới đã hướng tới bảo vệ tốt hơn nhóm cổ đông nhỏ, nhưng đây vẫn là nhóm đang chịu thiệt thòi trong mỗi mùa đại hội. |
Trong khi đó, lãnh đạo của một công ty chứng khoán tại Hà Nội nhìn nhận: “Có thể doanh nghiệp có những chiến lược không muốn công khai rộng rãi hoặc né tránh truyền thông. Nhưng dù là lý do nào, quyền lợi của cổ đông cũng cần phải đặt lên hàng đầu”.
Theo vị lãnh đạo này, dù Luật Doanh nghiệp mới đã hướng tới bảo vệ tốt hơn nhóm cổ đông nhỏ, nhưng đây vẫn là nhóm đang chịu thiệt thòi trong mỗi mùa đại hội. Nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ quan tâm tới việc làm sao để đại hội đủ điều kiện diễn ra, khi đã đủ rồi thì làm sao để thông qua các tờ trình, còn các nội dung khác đặc biệt là chất vấn, hỏi đáp thì… né tránh.
Tổ chức xa, thời gian không hợp lý (đầu giờ sáng khiến cổ đông muốn dự phải đi từ hôm trước hoặc từ đêm - PV), phần nghi thức và đọc báo cáo quá dài… là những rào cản kỹ thuật được vận dụng để giảm bớt thời gian chất vấn.
“Để bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ, để họ không còn ‘bên lề’ còn nhiều việc phải làm, từ những chuyện rất nhỏ như thư mời phải có tên người nhận phản hồi, có đường dây nóng, thậm chí phải có quy định về việc chọn địa điểm là nơi có tỷ lệ cổ đông đang ở/làm việc lớn nhất…”, vị lãnh đạo này cho biết.
Kiều Trang