Vietstock - TP.HCM (HM:HCM) nguy cơ mất 'khách sộp'
Với khoảng 60.000 khách tàu biển cao cấp cập cảng mỗi năm, TP.HCM sẽ mất một nguồn ngoại tệ lớn nếu không nhanh chóng giải bài toán hạ tầng, bến bãi.
Du thuyền cập cảng Sài Gòn - bến Nhà Rồng |
Mất chỗ đón "đại gia"
Báo Thanh Niên số ra ngày 2.12 có đăng tải bài viết: "TP.HCM nguy cơ 'mất sạch' khách tàu biển", cảnh báo việc xây cầu Thủ Thiêm 4 "chặn" tàu khách vào cảng Sài Gòn - bến Nhà Rồng có thể khiến các tàu biển hạng sang không thể đưa khách đến TP.HCM. Trao đổi sau bài viết, ông Diệp Bảo Khánh - Phó giám đốc Công ty CP Cảng Sài Gòn - đơn vị duy nhất đang thực hiện đón khách tàu biển đến TP.HCM hiện nay - khẳng định nguy cơ trên là hoàn toàn có thật. Cụ thể, theo ông Khánh, hiện nay các tàu hạng sang đưa khách đến TP.HCM chủ yếu cập cảng Sài Gòn - bến Nhà Rồng, một nửa chia về 3 cảng tại huyện Nhà Bè, thuộc cụm cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, một số nhỏ đáp cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu).
"Theo số liệu thống kê, năm 2019 TP.HCM đón khoảng 60 tàu biển với bình quân 1.000 khách/tàu. Tổng cộng khoảng 60.000 khách. Trong đó, riêng khu vực bến Nhà Rồng đón khoảng hơn 30 tàu, còn lại là cảng Hiệp Phước. Nếu cầu Thủ Thiêm 4 hoàn thành, bến tàu khách quốc tế tại Khu công viên Mũi Đèn Đỏ chưa kịp hoàn thành thì gần 30.000 khách còn lại nếu có nhu cầu sẽ phải dồn về 3 cảng Hiệp Phước dưới Nhà Bè. Tuy nhiên các cảng này đều đang chuyên tâm đón hàng hóa. Nếu không đầu tư nâng cấp thì không thể có khả năng tiếp nhận đủ tàu khách. Coi như TP.HCM sẽ mất sạch khách tàu biển" - ông Khánh lo ngại.
Cũng theo vị này, cảng Hiệp Phước hiện khai thác trên diện tích 800 m cầu cảng hiện hữu, giai đoạn 2 dự kiến làm thêm 1.000 m, tiếp tới sẽ bổ sung 1.000 m, đưa tổng chiều dài cầu cảng là 1.000 m. Nếu TP không sớm đưa quy hoạch rõ ràng, các phần tiếp theo sẽ tiếp tục đầu tư để đón tàu hàng. Khi cầu Thủ Thiêm xây xong chắc chắn sẽ "trở tay không kịp".
Với hàng ngàn du khách đẳng cấp cao, sẵn sàng chi trả tới 250.000 USD cho 1 chuyến du ngoạn vài tháng trên biển, du lịch tàu biển được coi là "mỏ vàng" mà bất cứ ngành du lịch tại địa phương hay quốc gia nào cũng đều muốn hướng tới. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) tính toán, du lịch tàu biển có giá trị doanh thu cao hơn khoảng 40% so với du lịch bằng đường hàng không hay đường bộ. Như vậy, nếu không nhanh chóng có quy hoạch rõ ràng, TP.HCM sẽ mất một nguồn thu ngoại tệ lớn từ những "đại gia" này.
Khách tàu biển đa phần đều là khách cao cấp, hạng sang nhưng đến Việt Nam không có chỗ tiêu tiền. CTV |
Có tiền mà không được tiêu
So với các loại hình khác, tỷ trọng khách du lịch bằng tàu biển không lớn nhưng loại hình này có giá trị doanh thu cao vì du khách thường đa quốc tịch và có thu nhập cao, tại mỗi điểm đến sẽ đi tour và mua sắm rất lớn. Nằm ở trung tâm Đông Nam Á, gần với các trung tâm cảng biển phát triển hiện đại như Hồng Kông, Singapore, Thượng Hải…, Việt Nam rất thuận lợi trong việc kết nối hải trình du lịch tàu biển với các khu vực trên thế giới. Đặc biệt, TP.HCM có lợi thế lớn hơn cả vì là điểm đến duy nhất tàu có thể cập cảng ngay tại trung tâm, tạo ra nhiều cơ hội vui chơi, giải trí, thưởng thức ẩm thực. Chưa kể đặc thù khách tàu biển đa số lớn tuổi, cái tên “Sài Gòn - TP.HCM” có một sức hút rất lớn đối với khách châu Âu, châu Mỹ... Thế nhưng thực thế, hành trình của du khách khi cập cảng Việt Nam nói chung cũng như TP.HCM thường rất ngắn, ít khi vượt quá 24 giờ. Chi tiêu cũng ở mức thấp, chưa tới 100 USD/người.
Là đơn vị chuyên đón khách tàu biển, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty du lịch Viet Excursions nhận định chúng ta có tiềm năng rất lớn nhưng lại chưa biết cách "móc hầu bao" du khách. Ông Xuân Anh dẫn chứng bẳng câu chuyện: "Công ty tôi từng đón một vị tỉ phú thế giới đi tàu biển cao cấp đến TP.HCM. Sau khi tàu cập cảng, ông ấy yêu cầu được sử dụng các dịch vụ như siêu xe, máy bay trực thăng… và mua sắm một số mặt hàng “xa xỉ” nhưng hầu hết các nhu cầu đều khó đáp ứng được. Việc thuê, mướn các phương tiện khó khăn, khu mua sắm hàng hiệu thì không có... vị tỉ phú này quyết định không lên bờ. Họ có tiền, muốn tiêu mà không tiêu được, thành phố cũng coi như chẳng thu được gì".
Ông Phan Xuân Anh đề xuất bên cạnh việc hoàn thiện hạ tầng cảng, bến, mỗi TP cảng, hoặc các TP hút khách như TP.HCM cần hình thành những con đường mua sắm, vui chơi, giải trí, ẩm thực đẳng cấp để phục vụ nhu cầu của đối tượng khách cao cấp này.
"Hiện nay tại TP.HCM đường nào cũng như đường nào, cào bằng không có sự khác biệt. Khách đến hỏi muốn mua lụa thật, mua hàng hiệu ở đâu cũng không dám chỉ cụ thể vì bản thân chúng tôi cũng không biết hàng hóa ở đó có chất lượng thật hay không. Như tôi đã nói, đối tượng khách này rất khó tính. Họ nhìn qua là biết hàng chất lượng thế nào và họ cần khu dịch vụ đẳng cấp tương xứng với khả năng chi trả của họ" - ông nói.
Hà Mai