Vietstock - Chứng khoán châu Á khởi sắc, chờ tin về thương mại Trung Quốc
Phần lớn chứng khoán châu Á đều khởi sắc trong ngày thứ Sáu (12/07) khi nhà đầu tư ngóng chờ số liệu thương mại từ Trung Quốc và dữ liệu cho thấy nền kinh tế Singapore đang ngấp nghé ngưỡng suy thoái.
Tính tới lúc 14h30 ngày thứ Sáu (12/07 – giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tiến 0.2%, còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0.29%.
Trên thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng 0.44%, Shenzhen Composite cộng 0.478% và Shenzhen Component tiến 0.66%. Ở Hồng Kông, chỉ số Hang Seng tiến 0.17%.
Đi ngược với xu hướng chung của thị trường, chỉ số ASX 200 của Australia giảm 0.29%.
Nguồn: CNBC
|
Nhà đầu tư đang đợi chờ dữ liệu thương mại tháng 6/2019 của Trung Quốc để đánh giá tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Singapore ngấp nghé ngưỡng suy thoái
Nền kinh tế Singapore có thành quả vô cùng tệ trong quý 2/2019, với mức tăng trưởng thấp nhất trong 1 thập kỷ và thu hẹp mạnh so với quý 1/2019 khi lĩnh vực sản xuất tiếp tục suy yếu, dữ liệu sơ bộ cho thấy trong ngày thứ Sáu (12/07).
So với quý trước, GDP thu hẹp 3.4% trong quý 2/2019, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết trong một tuyên bố qua email. Đây là mức thu hẹp hàng quý lớn nhất trong gần 7 năm, kể từ cú giảm 4.1% trong quý 3/2012.
So với cùng kỳ năm trước, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore chỉ tăng 0.1% trong quý 2/2019, thấp hơn dự báo 1.1% từ cuộc thăm dò của Reuters. Đây là mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong 10 năm (xét trên giai đoạn 12 tháng).
Con số quý 2/2019 là “khá thảm họa… thấp hơn quá nhiều thậm chí là so với những dự báo tệ nhất”, Selena Ling, Trưởng bộ phận chiến lược tại OCBC Bank, cho biết, đồng thời nói thêm yếu tố tiêu cực là hoạt động sản xuất.
Trong quý 2/2019, hoạt động sản xuất của Singapore thu hẹp 3.8% so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 0.4% trong quý 1/2019.
Trước đó, các cơ quan chức trách Singapore cho biết họ sẽ đánh giá lại mục tiêu tăng trưởng GDP 1.5%-2.5% của năm 2019 và một số chuyên viên phân tích còn cho rằng có thể xảy ra suy thoái trong năm 2020.
Ling dự báo các cơ quan chức trách sẽ sớm hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 xuống 0.5%-1.5%.
Cũng như nền kinh tế Hàn Quốc – vốn đã suy yếu trong quý 1/2019, Singapore thường được xem là phong vũ biểu về nhu cầu toàn cầu khi xét tới mức độ phụ thuộc cao vào hoạt động thương mại thế giới. Ở châu Á và châu Âu, hoạt động sản xuất thu hẹp trong tháng 6/2019.
“Singapore thường là dấu hiệu cảnh báo sớm vì nước này rất cởi mở và nhạy cảm với thương mại”, Chua Hak Bin, Chuyên gia kinh tế tại Maybank Kim Eng Research Pte ở Singapore, cho hay. “Dữ liệu GDP Singapore báo hiệu nguy cơ giảm tốc mạnh tới phần còn lại của châu Á”.
“Tôi nghĩ con số GDP sẽ tệ, nhưng không ngờ là tệ đến mức này”, Chua cho biết.
Dow Jones vượt 27,000 điểm
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones vọt 227.88 điểm (tương đương 0.9%) lên 27,088.08 điểm, phá ngưỡng 27,000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử. Dow Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 26,000 điểm vào tháng 1/2018, do đó chỉ số này đã mất hơn 1 năm rưỡi dao động trong khoảng 1,000 điểm. Đà tăng này chủ yếu được thúc đẩy bởi kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất, bảo vệ thị trường khỏi đà giảm tốc kinh tế và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Chỉ số S&P 500 cũng ghi nhận mức đóng cửa kỷ lục, tiến 0.2% lên 2,999.91 điểm. S&P 500 đã tạo ra cột mốc riêng của mình vào ngày thứ Tư (10/07) khi lần đầu tiên vượt ngưỡng 3,000 điểm. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite lùi 0.1% xuống 8,196.04 điểm.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ vào ngày thứ Tư (10/07), ông Powell cho biết đầu tư kinh doanh trên khắp nước Mỹ đã chậm lại “một cách đáng chú ý” gần đây khi những bất ổn về triển vọng nền kinh tế kéo dài. Do đó, kỳ vọng vào đợt hạ lãi suất sắp tới tăng lên.
“Xu hướng xung đột xuất hiện trở lại”, ông Powell cho biết. “Nhiều người tham gia Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thấy rằng trường hợp đối với chính sách tiền tệ thích ứng phần nào được củng cố. Kể từ đó, dựa trên dữ liệu sắp tới và những diễn biến khác, có vẻ sự không chắc chắn xung quanh căng thẳng thương mại và nỗi lo về sức mạnh của nền kinh tế toàn cầu tiếp tục gây sức ép đến triển vọng kinh tế Mỹ”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)