Vietstock - Thị trường gợi nhớ lại ký ức đau thương của thời kỳ khủng hoảng xa xưa
Mở đầu là cuộc tranh cãi về mức định giá kém bền vững, sau đó là nỗi lo sợ về cú đổ đèo của thị trường mới nổi. Giờ là Italy và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang rơi vào thế rối rắm.
Khi cả thế giới xem xét liệu 2018 có phải là năm thị trường tài chính bắt đầu đảo chiều sau khi bùng nổ trong gần 1 thập kỷ vừa qua, thì có rất nhiều dấu hiệu về khủng hoảng khiến trader phải thức giấc mỗi đêm. Các chuyên gia hồi tưởng lại hiện tượng bong bóng dot-com, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 và cuộc khủng hoảng nợ Eurozone trong năm 2012.
* Bóng ma khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đang hiện hữu ở thị trường mới nổi?
* Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, các thị trường mới nổi chao đảo
Diễn biến trong năm nay có vẻ kém cực đoan hơn những cuộc khủng hoảng trong quá khứ (xét trên nhiều thước đo), nhưng chúng cũng đủ để khiến những nhà đầu tư cảm thấy sợ hãi, vì họ đã quen với trạng thái bình yên trong những năm gần đây. Câu hỏi ở đây là liệu nên mua khi giá giảm mạnh (buy the dip) – một chiến lược rất hiệu quả trong thập kỷ vừa qua – hay chốt lời sau chuỗi tăng giá quá dài.
“Chúng ta đang chứng kiến sự tái diễn của những cuộc khủng hoảng nho nhỏ, những sự kiện thực sự hủy hoại tâm lý nhà đầu tư”, ông Patrik Schowitz, Chiến lược gia tài sản toàn cầu tại JPMorgan Asset Management ở Hồng Kông, cho hay. “Mặc dù không rõ có cùng mức độ hay không, nhưng chúng cứ nối tiếp nhau và nhà đầu tư không có thời gian để ‘thẩm thấu’ những điều đó. Một khoảng thời gian yên ắng là những gì mà chúng ta cần để thị trường lấy lại vị thế của nó”.
Bối cảnh dẫn tới tình trạng biến động trong năm nay là lộ trình nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ mức gần 0% – vốn được đưa ra từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nhằm vực dậy nền kinh tế. Điều này đã gây áp lực tăng lên lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và buộc nhà đầu tư định giá lại các tài sản. Mặc dù bất ổn ở Italy trong tuần này làm dấy khiến nhà đầu tư hoài nghi về lộ trình thắt chặt chính sách của Fed, nhưng họ vẫn tin rằng gần như chắc chắn Fed sẽ nâng lãi suất tại cuộc họp tháng 6/2018.
* TTCK Mỹ đang truyền tải thông điệp gì?
Không nơi nào mà sự sợ hãi thể hiện rõ hơn là nhóm cổ phiếu công nghệ Mỹ, dù rằng trong tháng 2/2018, nhóm cổ phiếu công nghệ Mỹ đã chứng kiến đợt bán tháo 10% đầu tiên trong 2 năm qua. Làn sóng bán tháo đó “cuốn bay” 1 ngàn tỷ USD ra khỏi thị trường chứng khoán Mỹ tại thời điểm đó, nhưng cũng chẳng là gì so với mức tụt dốc 82% của các cổ phiếu công nghệ toàn cầu trong những năm 2000 – thời điểm bong bóng dot-com vụn vỡ.
Bên cạnh đó, thị trường cũng đang lo sợ về các thị trường mới nổi và tình hình chính trị ở châu Âu. Khoảng 20 năm về trước, chỉ số MSCI Emerging Markets mất hơn 50% giá trị khi khu vực Đông Á chuẩn bị bước vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998, qua đó làm dấy lên lo sợ về cuộc khủng hoảng kinh tế có khả năng lây lan. Những rối rắm ở Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina và Indonesia trong năm nay vẫn chưa tạo ra mức lây lan như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Tình trạng bất ổn chính trị ở Italy đang tác động tiêu cực tới các thị trường ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hy Lạp trong tuần này, nhưng lợi suất trái phiếu ở những nước này vẫn còn cách khá xa so với mức năm 2012.
* Thị trường toàn cầu lao đao vì cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy
* Vì sao thị trường lại sợ khủng hoảng chính trị ở Italy đến thế?
Trông chờ vào Trung Quốc
Trung Quốc và hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn được đông đảo người xem là ổn định, ngay cả khi các chính trị gia của hai quốc gia này đang xung đột về thương mại. Tăng trưởng ở nền kinh tế lớn nhất châu Á, Trung Quốc, đã ổn định trong vài quý gần đây, và rất ít người dự báo quốc gia này sẽ lại phá giá đồng nội tệ của mình – một động thái đã làm chao đảo cả thị trường toàn cầu trong năm 2015. Mặc dù đám mây đen tối đang dần hình thành ở lĩnh vực ngân hàng của Italy và Deutsche Bank AG, nhưng các ông lớn tài chính của Mỹ vẫn tạo lợi nhuận rất nhanh và cũng có tấm đệm an toàn vốn lớn hơn so với năm 2008.
Điều đó chẳng thể ngăn cản những nhà đầu tư giá xuống (bear), bao gồm cả huyền thoại đầu cơ George Soros, đưa ra các lời cảnh báo về tai họa sắp diễn ra. Hôm thứ Ba (29/05), ông Soros cho biết, đà tăng của đồng USD và làn sóng rút vốn ra khỏi các thị trường mới nổi có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng khác, đồng thời nói thêm Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với mối đe dọa về khả năng tồn tại.
* Ông trùm đầu cơ George Soros cảnh báo về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
Tuy nhiên, ông Soros đã lên tiếng cảnh báo về khủng hoảng toàn cầu từ năm 2011 và thị trường vẫn tăng ầm ầm đấy thôi. Bất kỳ ai đầu tư vào quỹ chỉ số S&P 500 sau khi ông Soros đưa ra lời cảnh báo về khủng hoảng trong tháng 1/2016 thì giờ họ đã lãi khoảng 35%.
Với tình trạng bất ổn xoay quanh Italy và quá trình loại bỏ các gói kích thích của ngân hàng trung ương, sẽ là hợp lý khi các nhà đầu tư giảm bớt tỷ trọng và theo dõi diễn biến của những sự kiện quan trọng, theo quan điểm của ông Hao Hong, Trưởng Bộ phận Chiến lược tại Bocom International Holdings tại Hồng Kông. Khi được hỏi liệu có cuộc khủng hoảng lớn nào sắp tới hay không, ông Hong cho biết vẫn còn quá sớm để trả lời.
“Trong môi trường như thế này, lời khuyên của tôi là chấp nhận rủi ro ít hơn”, ông cho hay.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)