Vietstock - VEPR: Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 2-2.5% trong năm 2021
Chiều ngày 20/10/2021, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức Tọa đàm “Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý 3/2021”.
2 kịch bản dự báo tăng trưởng năm 2021
PGS (HN:PGS). TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế vĩ mô cho biết GDP quý 3/2021 giảm 6.17% so với cùng kỳ năm trước là mức giảm sâu nhất kể từ khi có thống kê về GDP theo quý. Khu vực dịch vụ giảm 9.28%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5.02%, khu vực nông lâm,và thủy sản tăng nhẹ 1.04%. Tính chung GDP trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng 1.42%.
Nguồn: VEPR
|
Nguồn: VEPR
|
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2021, PGS. TS. Phạm Thế Anh cho rằng kinh tế suy giảm nghiêm trọng trong quý 3 kèm theo các hậu quả kinh tế xã hội nặng nề sẽ phải mất nhiều thời gian sau mới khắc phục được. Lạm phát do chi phí đẩy là một rủi ro cần phải được giám sát chặt, bất kỳ một sự nới lỏng tiền tệ nào đều cần phải hết sức thận trọng.
Theo đó, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp đánh giá sự thành công của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh thông qua việc tiêm vắc xin và gói cứu trợ xã hội thật sự lớn, đi cùng với biện pháp giải ngân mạnh mẽ và hiệu quả, đẩy mạnh kinh tế số và cải cách hành chính.
Với thực trạng hiện tại, VEPR đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021.
VEPR đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021
|
Theo kịch bản xấu: Trong kịch bản này, bệnh dịch có nguy cơ tái bùng phát tại Việt Nam. Tình trạng “đóng-mở” lặp lại ở một số nơi xuất hiện các ca nhiễm gây thiệt hại cho sản xuất. Một số đơn hàng tiếp tục rời khỏi Việt Nam do không đảm bảo được tiến độ sản xuất. Tình trạng thiếu hụt lao động có thể xảy ra do người lao động còn bất an. Chi phí tăng cao khiến nhiều ngành thu hẹp, đặc biệt là trong nông nghiệp. Theo đó, mức độ tác động của Covid-19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ nghiêm trọng hơn so với hiện tại. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 được dự báo ở mức 1-1.5%.
Ở kịch bản tốt: Trong điều kiện cả nước thống nhất được các biện pháp thích ứng với bệnh dịch và vẫn đảm bảo sản xuất và lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy. Các hoạt động sản xuất và tiêu dùng được hồi phục một cách chậm chạp nhưng chắc chắn, Các trung tâm kinh tế hoàn thành kế hoạch tiêm chủng ngay trong nửa đầu năm quý 4/2021. Tình trạng phong tỏa như trong quý 3 không lặp lại. Theo đó, tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2-2.5%.
Dòng vốn FDI kỳ vọng hồi phục trong quý 4/2021
Về vấn đề hồi phục đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tại TP.HCM trong quý 4/2021, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhấn mạnh biện pháp mang tính cấp bách và ngắn hạn hơn hết là làm cho việc thông thương hàng hóa, đi lại của người dân được dễ dàng để đón đợt mua sắm cuối năm. Vì đây là dịp tổng cầu mỗi năm của nền kinh tế đều tăng rất cao nên quý cuối năm là quý có hoạt động đầu tư lẫn tiêu dùng cá nhân và tổ chức đều tăng cao.
Thứ hai, các tỉnh thành, địa phương cần phải thực hiện quyết liệt, nhất quán, đồng bộ và linh hoạt trong việc vận dụng các nội dung Nghị quyết 128 của Chính phủ vừa mới ban hành.
Thứ ba, các địa phương đang có tình hình dịch diễn biến tích cực như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… nên mạnh dạn trao cho doanh nghiệp quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động khôi phục sản xuất kết hợp các biện pháp chống dịch thay vì đưa ra nhiều quy định, điều kiện cho doanh nghiệp.
Thứ tư, vai trò của các gói hỗ trợ kinh tế là rất cần thiết, doanh nghiệp cạn kiệt dòng tiền cần phải có các gói hỗ trợ bằng tiền. Tuy nhiên, việc hỗ trợ tốt nhất và ý nghĩa nhất cho doanh nghiệp hiện nay chính là cho phép doanh nghiệp hoạt động hết công suất càng sớm càng tốt.
Giá cả nông sản, sắt thép... dự báo còn tăng từ nay đến giữa 2022
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV (HM:BID) đưa ra vấn đề dự báo nợ xấu của hệ thống ngân hàng tính đến cuối năm 2021 sẽ tăng lên khoảng 2.3%. Còn nợ xấu bao gồm nợ bán cho VAMC và nợ tái cơ cấu được Ngân hàng Nhà nước dự báo trong năm tới sẽ trên 7%.
Ông cũng nêu ra vấn đề: “Khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc sẽ có tác động lớn đến Việt Nam do Việt Nam nhập khẩu lớn từ Trung Quốc. Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng sẽ chậm lại từ 0.1-0.2 điểm % vào cuối năm 2021 và nửa đầu năm 2022.”
Ngoài ra, về vấn đề tác động của chi phí đẩy đến lạm phát của Việt Nam, ông Lực chỉ ra giá dầu thô đã tăng 70% so với đầu năm. Tuy nhiên, tính bình quân cả năm 2021, giá dầu thô được dự báo sẽ tăng khoảng 50-55% so với bình quân 2020. Theo đó, lạm phát sẽ tăng thêm 0.2-0.3 điểm %.
Vấn đề thứ hai là giá cả hàng hóa cơ bản khác như nông sản, sắt thép, nguyên vật liệu tăng khá nhanh. Trong đó, tính bình quân, giá sắt, thép đã tăng từ 25-30% so với đầu năm.
TS. Cấn Văn Lực dự báo giá cả hàng hóa sẽ tiếp tục tăng từ nay đến giữa năm 2022. Tuy nhiên, TS vẫn đánh giá mức độ tác động của giá cả lên lạm phát Việt Nam không quá nghiêm trọng nhưng không quá chủ quan do nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hiện nay chưa dám chuyển ngay mức tăng giá đó vào giá hàng hóa cuối cùng vì doanh nghiệp và người dân còn khó khăn cộng thêm sức cầu còn thấp, vòng quay tiền cũng còn chậm.
Khang Di