💼 Bảo vệ danh mục của bạn với công cụ chọn cổ phiếu có AI hỗ trợ của InvestingPro – HIỆN GIẢM tới 50% NHẬN ƯU ĐÃI

Thanh long Việt tìm cách giảm phụ thuộc Trung Quốc

Ngày đăng 14:15 07/01/2022
Thanh long Việt tìm cách giảm phụ thuộc Trung Quốc

Vietstock - Thanh long Việt tìm cách giảm phụ thuộc Trung Quốc

Diễn đàn kết nối nông sản 970 chủ đề: Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long , do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 6.1 “nóng” ngay từ phút đầu tiên khi ở nhiều tỉnh phía nam, thanh long chín đỏ đồng nhưng không có thương lái, doanh nghiệp thu mua.

Xuất chính ngạch, chuyển hướng sang đường biển

Ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, cho biết khi các cửa khẩu phía bắc đình trệ, Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, giá trái cây này giảm sâu. Ở Bình Thuận, giá thanh long có nơi chỉ còn 2.000 - 4.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ rất chậm, có chỗ thương lái ngừng thu mua. Bình Thuận dự kiến 3 tháng đầu năm nay có khoảng 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ, ngay trong tháng 1 sản lượng cần bán trước tết khoảng 60.000 tấn. Ngoài kết nối tiêu thụ trong nước, địa phương này định hướng doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đi Ấn Độ.

Nhiều diện tích trồng thanh long ở Long An đến kỳ thu hoạch nhưng thương lái ít thu mua. Bắc Bình

Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit, nhìn nhận vấn đề nông sản ùn tắc ở cửa khẩu là hệ quả DN không chịu lắng nghe khuyến cáo từ Trung Quốc. “Trước đó 4 tháng, Trung Quốc nhiều lần cảnh báo chuyển hướng sang chính ngạch và đi đường biển nhưng DN VN không nghe, cứ ùn ùn đưa hàng lên biên giới”, ông Huy nói. Theo ông Huy, chuyển sang đường biển hiện gặp khó về giá cước tăng cao, thiếu vỏ container lạnh, nhưng về lâu dài, đường biển sẽ là con đường xuất khẩu chính của nông sản VN đến Trung Quốc.

Đồng tình với ông Huy, ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), dẫn chứng trong năm 2021 thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,7 triệu tấn. Trong đó, 520.000 tấn (chiếm hơn 30% tổng sản lượng xuất khẩu) đi theo đường biển từ cảng ở TP.HCM, cho thấy tiềm năng xuất khẩu đường biển là rất lớn. “Các DN xuất khẩu trái cây tươi, trong đó có thanh long cần mạnh dạn chuyển đổi xuất khẩu đường biển. Năm 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhưng trái cây xuất đường biển sang Trung Quốc vẫn cứ đi đều đều”, ông Thiệt cho hay.

Ghi nhận đề xuất từ DN, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ này liên hệ ngay với Hiệp hội DN logistics VN cũng như một số cảng tại TP.HCM để sớm có buổi làm việc. “Tôi đã điện thoại và thống nhất với một Thứ trưởng Bộ GTVT, phải thu xếp sớm, chúng tôi trực tiếp bay vào TP.HCM làm việc nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản bằng đường biển”, ông Nam thông tin tại hội nghị.

Làm hàng tiêu chuẩn cao, hướng đến nhiều thị trường

Một trong những vấn đề được thảo luận sâu tại diễn đàn là tại sao thanh long - nằm trong nhóm trái cây chủ lực xuất khẩu đi vài chục quốc gia nhưng bao năm nay vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi ở nhiều thị trường khác có nhu cầu rất lớn với loại trái cây này. Ông Nguyễn Khắc Huy cho rằng vấn đề nằm ở kiểm soát an toàn thực phẩm trái thanh long, cụ thể là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), DN VN vẫn vi phạm nhiều. Trước đây, Trung Quốc là thị trường dễ tính nhưng một loạt quy định kiểm soát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và thêm các Lệnh 248, 249 thì từ ngày 1.1.2022, Trung Quốc đã là một thị trường khó tính. Dự báo sắp tới, nếu Trung Quốc áp dụng kiểm soát dư lượng thuốc BVTV thì trái cây, trong đó có thanh long sẽ rất khó nhập khẩu vào Trung Quốc. “Trung Quốc có nền kinh tế tốp đầu thế giới, đông dân và là thị trường tiêu thụ rộng lớn, DN, người sản xuất ở VN muốn xuất khẩu được hàng thì phải làm theo yêu cầu của họ chứ không thể yêu cầu ngược lại với phía Trung Quốc”, ông Huy nói.

Đã đến lúc người sản xuất, DN phải chuyển đổi tư duy

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương có sản lượng thanh long lớn đến thời kỳ thu hoạch chủ động tổ chức đa dạng hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối DN đưa hàng vào các chuỗi, hệ thống phân phối bán lẻ trong nước; đẩy mạnh chế biến sản phẩm sấy khô, bột thanh long. Hiện nay, nhiều DN cam kết hỗ trợ tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ông Nam nhấn mạnh thông tin từ các DN và tham tán, xuất khẩu thanh long còn nhiều tiềm năng, vấn đề làm sao sản xuất trong nước phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn.

“Đã đến lúc người sản xuất, DN phải chuyển đổi tư duy để chúng ta không còn phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc nữa, trong khi nhiều quốc gia cũng có nhu cầu thì sản xuất phải tìm cách đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn để vào được nhiều thị trường khác nhau. Đây là quan điểm nhất quán của Chính phủ, Bộ NN-PTNT chỉ đạo triển khai thời gian tới “, ông Trần Thanh Nam nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Thiệt cho hay những năm gần đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên tục cảnh báo hàng trăm vụ vi phạm của DN VN. Ngoài các lỗi về dịch hại và kiểm dịch thực vật, hồ sơ kèm theo lô hàng thì số lượng vụ vi phạm về thuốc BVTV trên trái cây, rau quả chiếm số lượng lớn. “Họ (Trung Quốc - NV) nhắc nhiều, cảnh báo rất nhiều trong mỗi lần hội đàm khiến chúng tôi cũng cảm thấy muối mặt”, ông Thiệt bày tỏ.

Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại VN tại Nhật Bản, thị trường này mở cửa rất sớm cho thanh long cả ruột trắng lẫn ruột đỏ. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu vào Nhật Bản chưa nhiều dù tiềm năng rất lớn khi đang có nửa triệu người Việt sinh sống, học tập và làm việc tại đây. Người Nhật Bản rất ưa chuộng loại quả này. Theo ông Minh, nguyên nhân là Nhật Bản đòi hỏi rất cao về quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng. Thực tế tại Nhật Bản phát hiện nhiều vụ vi phạm về dư lượng thuốc BVTV và phải mất rất nhiều thời gian đàm phán xử lý. “Nhật Bản rất nghiêm khắc với vi phạm về dư lượng thuốc BVTV, nếu DN không khắc phục triệt để thì rất dễ bị cấm xuất khẩu”, ông Minh cảnh báo, đồng thời khuyến cáo DN VN cần đẩy mạnh xúc tiến quảng bá trên các sàn thương mại điện tử tại Nhật Bản để tăng xuất khẩu thanh long vào thị trường này.

Ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC, đơn vị đại diện thương mại xuất nhập khẩu Hà Lan và VN, cho rằng Hà Lan là cửa ngõ đưa hàng vào EU. Ở Hà Lan, một trái thanh long 400 gr bán trong siêu thị giá lên tới 260.000 đồng. Nghịch lý ở chỗ, người bản địa Hà Lan, các nước EU muốn mua thanh long chỉ có thể vào siêu thị dành cho người châu Á chiếm 10% người tiêu dùng, còn lại 90% là bỏ ngỏ. Theo ông Như Nguyễn, Hà Lan đang nhập khẩu thanh long từ VN, Trung Quốc, Nam Phi và Ecuador để đưa hàng vào châu Âu. Để vào thị trường này, thanh long phải có tiêu chuẩn GlobalGap, đáp ứng khoảng 150 tiêu chuẩn về dư lượng thuốc BVTV. Màu đỏ trái chiếm 70%, cuống phải cắt hoàn toàn, tai dài không quá 1,5 cm. Tiêu chuẩn khắt khe nhưng không phải là không làm được vì Trung Quốc, Nam Phi và Ecuador đang làm rất tốt. Ông Như Nguyễn đưa ra lời khuyên: “Sản xuất ở VN cần đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của EU để xây dựng thị trường xuất khẩu bền vững ở thị trường này, mục tiêu là tiếp cận chuỗi phân phối, bán lẻ cho người tiêu dùng bản địa”.

Phan Hậu

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.