Vietstock - PGS (HN:PGS).TS Trần Đình Thiên: Không thể đầu vào cao mà vẫn để giá điện thấp
Chia sẻ tại Tọa đàm về '' Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp'' được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều ngày 31/10, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng cần phải để mức độ giá điện cân bằng, cạnh tranh với thế giới, không thể đầu vào cao mà vẫn để giá điện thấp.
PGS.TS. Trần Đình Thiên: Không thể đầu vào cao mà vẫn để giá điện thấp. Ảnh VGP
|
Theo ông Thiên, đúng là giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam thấp hơn nhiều nước, nhưng có ý kiến cho rằng thu nhập của người dân Việt Nam cũng thấp hơn rất nhiều so với những nước mà người dân trả giá điện cao?
Giá điện của Việt Nam hiện nay không thấp mà đang cân bằng với thu nhập. Tuy nhiên, đây không phải luận cứ để làm chính sách. Ở đây, có 2 vấn đề.
Thứ nhất, nói đến người dân – người tiêu dùng hàng ngày – thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp và giá điện hiện nay đang ở mức chấp nhận được.
Tuy nhiên, nếu giá điện thấp thì lại khiến tiêu dùng điện nhiều, lãng phí đồng thời không khuyến khích đầu tư sản xuất điện. Và khi đó, quy luật của thị trường sẽ phát huy tác đụng đó là muốn tiêu dùng theo giá điện thấp, sẽ không có điện dùng.
Nên việc chúng ta đang xử lý Nhà nước hỗ trợ một phần cho giá điện là cách để bù vào giá thấp này nhưng tôi cho rằng cách hỗ trợ như hiện nay đang có vấn đề làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá điện thực tế.
Giá điện phải đảm bảo được khâu sản xuất điện còn phần hỗ trợ của Nhà nước phải tách riêng ra vào phần an sinh xã hội và tính bao cấp sẽ làm hỏng cơ chế thị trường.
Chúng ta vẫn phải để mức độ giá điện cân bằng, cạnh tranh với thế giới, không thể đầu vào cao mà vẫn để giá điện thấp.
Phần bao cấp của Nhà nước cần tách riêng ra mới bảo đảm được gía điện tính đúng, tính đủ, không khuyến khích người sử dụng tiêu tốn quá nhiều năng lượng mà vẫn khuyến khích đầu tư sản xuất điện.
Chúng ta không nên lập luận là "thu nhập thấp nên giá điện thấp" mà phải lập luận ở mức tổng thể hơn đó là "giá điện phải đúng để đảm bảo cân bằng sản xuất và tiêu dùng".
Cao hơn nữa, nếu cứ duy trì giá điện thấp như hiện nay có khả năng ta đang tạo ra bẫy công nghệ, tức là chỉ nhắm đến những nhà đầu tư công nghệ lạc hậu, tiêu dùng điện tốn kém thì ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế chung.
Phấn đấu đủ điện nhưng không thể mua cao bán thấp, giá điện phải hợp lý
Tham gia Tọa đàm, Ông Nguyễn Tiến Thỏa (Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) cũng tán thành ý kiến của PGS.TS Trần Đình Thiên. Theo ông Thỏa, cơ cấu điện hiện nay có nhiệt điện, thủy điện và các cơ cấu nguồn khác, trong đó rẻ nhất là thủy điện (chiếm 28%) còn lại là nguồn điện giá thành cao. Nhất là nhiệt điện nhập khẩu nguyên liệu đầu vào như: than, dầu, khí không thể có giá thấp được.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Đã đến lúc phải vươn ra nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện. Ảnh VGP/Nhật Bắc
|
Ví dụ như giai đoạn thủy điện xuống mực nước thấp chúng ta phải huy động nguồn giá cao để đảm bảo nhu cầu của cả nền kinh tế. Còn nếu tính đúng thì khi sử dụng dầu sản xuất điện thì giá thành điện sẽ lên đến 5,800 đ/kWh, than khoảng 2,500 - 2,800 đ/kWh.
Chúng ta không thể mua cao - bán thấp do sự phụ thuộc nguyên liệu đầu vào nhưng với sự nỗ lực của Nhà nước, của ngành điện bù đắp về giá từ trước đến nay chúng ta vẫn phấn đấu đủ điện cho nền kinh tế với mức giá chưa đúng, chưa đủ với giá thành.
Trong giá điện hiện nay đang được xử lý đa mục tiêu. Nếu xét về thu nhập, cần làm rõ xem hiện nay chi phí điện chiếm bao nhiêu % trong tổng thu nhập? Đây là điều các nhà hoạch định chính sách đều tính toán. Chưa kể giá điện còn phải liên quan đến việc hoạch định nhiều chính sách khác nữa.
Đối với những đối tượng yếu thế thì Nhà nước có thể xem xét cách hỗ trợ khác như hỗ trợ ngoài tiền điện để mọi người dân đều có thể được sử dụng điện.
Tôi đồng tình rằng chúng ta luôn luôn nên nói "giá điện hợp lý" thì chúng ta sẽ đạt được nhiều mục tiêu mà chúng ta mong muốn để phát triển.
Nhật Quang