Investing.com -- Tuần qua, hội nghị Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp lớn đã ghi nhận những kiến nghị từ những người giàu nhất nước, đề xuất tới Chính phủ để tháo gỡ khó khăn.
Kiến nghị của các tỷ phú hàng đầu với Thủ tướng
Chia sẻ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp đã có những đề xuất tới Chính phủ để tháo gỡ khó khăn
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sovico, bày tỏ mong muốn rằng lãnh đạo Chính phủ hãy tin tưởng, đồng thời, tạo điều kiện xây dựng các quy định, pháp luật, cơ chế cho các doanh nghiệp tư nhân.
Từ đó, hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế làm đầu tàu và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp và nông thôn, các công ty khởi nghiệp.
Đại diện Tập đoàn Masan (HM:MSN) kiến nghị gia tăng giá trị xuất khẩu cho Việt Nam. Để lan tỏa văn hóa ẩm thực, tăng lợi thế cạnh tranh, mang văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, lãnh đạo tập đoàn này đề nghị Chính phủ ban hành lộ trình, chiến lược vươn ra toàn cầu của ẩm thực Việt Nam, xây dựng hình ảnh thương hiệu ẩm thực của quốc gia, tạo nên những ẩm thực đại sứ của Việt Nam.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group, nhấn mạnh vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển "ngành công nghiệp không khói"; kiến nghị xem xét áp dụng mô hình thương mại tự do tại các địa bàn tiềm năng du lịch biển đảo như Phú Quốc… nhằm phát triển thu hút đầu tư.
Liên quan đến cơ chế dành cho thị trường khách du lịch nước ngoài, ông Trường đề xuất các bộ, ngành tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương, miễn thị thực ngắn hạn thí điểm cho khách du lịch từ một số thị trường quy mô lớn, chi tiêu cao; cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần cho phân khúc từ Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, châu Âu…
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Tập đoàn REE (HM:REE), cũng đề xuất Chính phủ nên giao quyền cho tỉnh để cấp chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp bởi tỉnh hiểu rõ về năng lực, uy tín của từng nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành có những chính sách miễn giảm thuế phù hợp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tỷ phú Vượng đề xuất về nhà ở xã hội, công nghiệp hỗ trợ
Sáng 21.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Liên quan vấn đề an sinh trọng tâm là nhà ở xã hội, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup - đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục, vì hạn chế lớn nhất hiện nay đối với nhà ở xã hội là liên quan nội dung về 10% lợi nhuận.
Cụ thể, ông Vượng phản ánh, nếu các doanh nghiệp bất động sản triển khai hoạt động này với lợi nhuận 10% thì không thể làm được, vì chỉ tồn đọng vốn 1-2 năm hoặc bán chậm 1-2 năm là sẽ lỗ, trong khi nhà ở xã hội mang tính đóng góp, không phải là kinh doanh. Vingroup (HM:VIC) đề nghị tăng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, tức là phải có hầm để xe, phải có khu vui chơi cho trẻ cũng như các tiện ích khác.
Liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông đề nghị Chính phủ có các cơ chế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ. Ông Vượng cho rằng nếu chúng ta đẩy mạnh được vấn đề này, Việt Nam sẽ có nền công nghiệp phụ trợ rất mạnh.